Lao vào tâm dịch với trách nhiệm của người làm báo

Với vai trò là Trưởng Cơ quan thường trú báo Khoa học & Đời sống tại TP.HCM, nhà báo Bùi Hương quyết định tạm 'đóng cửa' các chương trình thiện nguyện khác để tập trung chia sẻ với các tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện với những diễn biến phức tạp, không chỉ gây lo lắng cho người dân mà còn kéo theo sự khan hiếm, thiếu thốn về trang thiết bị y tế trên diện rộng, trong đó có những người ở tuyến đầu như nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, công an… với vai trò là Trưởng Cơ quan thường trú báo Khoa học & Đời sống tại TP.HCM, nhà báo Bùi Hương quyết định tạm “đóng cửa” các chương trình thiện nguyện khác để tập trung chia sẻ với các tuyến đầu.

Thiết thực và kịp thời

Bằng khả năng của mình, chị đã vận động được nhiều tài trợ tham gia “Đồng hành cùng chiến sĩ” Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và một số tỉnh biên giới phía Bắc nhằm động viên kịp thời những nỗ lực phòng chống dịch của các “chiến sĩ” ở tuyến đầu.

“Là nhà báo, nhiệm vụ của tôi là tổ chức, đưa thông tin xác thực đến người dân. Nhưng ngoài công việc đó, tôi còn là người yêu thích những công việc thiện nguyện, cộng đồng. Vì thế, tôi bỏ ngoài tai những lời như “làm chi cho cực vậy”, “ôm rơm nặng bụng”… để có thể góp phần động viên những người đang ngày đêm căng mình trong đại dịch” - nhà báo Bùi Hương chia sẻ.

Từ sự vận động của Cơ quan thường trú báo KH&ĐS tại TP.HCM, nhiều trang thiết bị y tế cần thiết như máy đo thân nhiệt điện tử, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, máy rửa tay kháng khuẩn tự động… với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng đã kịp thời đến tay các đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch.

“Các anh hãy yên tâm làm nhiệm vụ, xã hội, cộng đồng luôn đồng hành và hướng về các anh với những sự trân trọng, tình cảm thắm thiết nhất” - nhà báo Bùi Hương gửi lời động viên đến các chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồn Biên phòng Bến Đá.

TS.BS Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai tặng hoa cảm ơn nhà báo Bùi Hương - Trưởng Cơ quan Thường trú Báo KH&ĐS tại TP.HCM.

Nói về lý do chọn điểm tiếp sức đầu tiên, nhà báo Bùi Hương cho biết, Bà Rịa -Vũng Tàu là tỉnh có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và môi trường biển. Các chiến sĩ ở đây có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26 xã, phường, thị trấn biên giới biển, đảo. Trong đó, khu vực phao số 0 - vịnh Ghềnh Rái, nơi neo đậu của rất nhiều các loại tàu thuyền và là tuyến hàng hải quan trọng, cửa ngõ Đông Nam Bộ đi các nước và khu vực.

Bên cạnh đó, Bà Rịa -Vũng Tàu còn là tỉnh có số người nước ngoài lưu trú và làm việc đông. Điều này đặt nhiệm vụ hết sức nặng nề trong việc tuần tra, kiểm soát người, phương tiện trên bờ lẫn dưới biển. Ngoài ra, nơi này còn trong tâm thế sẵn sàng “chia lửa” với TP.HCM, chuẩn bị các điểm cách ly phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Nhiệm vụ nặng nề là vậy nhưng các trang thiết bị y tế, bảo hộ thiết yếu lại vô cùng khan hiếm. Đại tá Nguyễn Văn Thống - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, toàn đơn vị có gần 1.000 người, trong đó có hơn 300 chiến sĩ thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nhưng hằng ngày vẫn phải dùng khẩu trang vải. Do vậy, món quà từ Báo KH&ĐS có ý nghĩa vô cùng thiết thực.

Không chùn bước trước khó khăn

Trong thời điểm khan hiếm thiết bị y tế, việc vận động, tìm nguồn hàng đã khó nhưng khó nhất là làm sao tiếp cận, chuyển được đến tay lực lượng tuyến đầu khi cả nước đang thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội.

Đối diện với trách nhiệm của người đứng đầu về sự an toàn cho đồng nghiệp, các mạnh thường quân, nhà báo Bùi Hương cũng không khỏi có những phút lo lắng, chùn bước. Nhưng nghĩ đến các chiến sĩ phòng chống dịch bệnh trong cảnh thiếu thốn thiết bị bảo hộ y tế, cũng như mất đi một nguồn động viên nên nhà báo Bùi Hương đã quyết tâm “chia lửa” với các chiến sĩ bằng mọi cách.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, kế hoạch vừa chuẩn bị triển khai thì có văn bản chỉ đạo từ Bộ Quốc Phòng là người đến từ 21 tỉnh thành được xem là vùng dịch không được đến doanh trại quân đội. Khó khăn là vậy, nhưng nhà báo Bùi Hương cuối cùng cũng đã kịp thời chuyển đến tận tay các chiến sĩ biên phòng, Công an tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, công an huyện Long Điền và Trung tâm y tế huyện Côn Đảo những trang thiết bị y tế cần thiết.

Nhớ lại hành trình đưa trang thiết bị y tế từ TP.HCM xuống TP. Vũng Tàu tặng các đơn vị tuyến đầu, nhà báo Bùi Hương chia sẻ: “Đi trên QL51 đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai, cơ quan chức năng thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, trong đó xe xuất phát từ vùng dịch TP.HCM được giám sát chặt chẽ. Do đó, các thành viên trong đoàn hết sức lo lắng vì có thể trở thành đối tượng phải cách ly, giám sát và cả sự an toàn khi trở về với gia đình vì ai cũng có con nhỏ, cha mẹ già…”.

Chưa hết, sau những chuyến đi tiếp sức lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, khi trở về với công việc chuyên môn, nhà báo Bùi Hương đã gặp ngay những ánh mắt dè dặt, nghi ngại. Nhưng sau một thoáng chạnh lòng, nhà báo Bùi Hương tự động viên mình đừng quá nhạy cảm, quá buồn vì điều đó vì vốn xuất thân là một phóng viên y tế trong nhiều năm, tác nghiệp qua nhiều đợt dịch nên tự tin có đủ hiểu biết về dịch bệnh, về cách phòng dịch trong khi tác nghiệp…

Nhà báo Bùi Hương chia sẻ: “Sở dĩ tôi và đoàn vẫn đi làm cái việc mà nhiều người cho là “dư hơi” vì tôi là một công dân, mong muốn đóng góp chút sức nhỏ bé của mình vào nỗ lực chung của xã hội. Và với trách nhiệm của nhà báo, chúng tôi phải luôn xông pha mà không nhất thiết phải để tâm vào việc người khác nghĩ như thế nào, chỉ biết tim mình hướng về cái gì, muốn điều gì là đủ”.

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lao-vao-tam-dich-voi-trach-nhiem-cua-nguoi-lam-bao-post83438.html