Lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thêm những 'thanh bảo kiếm sắc bén'
Một trong các nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là Đề án thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
LTS: Từ thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt rất nhiều kết quả, khẳng định sự quyết liệt của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm minh. Những vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã thể hiện rõ quan điểm, chủ trương rõ đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất cứ sự can thiệp nào, qua đó củng cố lòng tin của đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động
Qua thực tế gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hay, có giá trị phổ biến.
Mặc dù tình trạng tham nhũng, tiêu cực về cơ bản được đẩy lùi nhưng thời gian gần đây một số vụ việc về tham nhũng, tiêu cực có chiều hướng phức tạp, liên kết, liên minh và hoạt động rất tinh vi.
Trong 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra cách đây gần 30 năm (về chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu về kinh tế, nạn tham nhũng và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) đến nay vẫn còn thường trực. Trong đó nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực luôn chực chờ để trỗi dậy trở thành Quốc nạn nếu không có biện pháp đấu tranh và ngăn ngừa quyết liệt.
Hội nghị Trung ương 5. Ảnh: Nhật Bắc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đặt câu hỏi “vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi, vi phạm mạnh như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ”. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã gây ra nhiều nhức nhối, là u nhọt trong xã hội, lan rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và không ít các địa phương.
Việc cần kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là nhiệm vụ thiết thực để hòa vào “bản giao hưởng” chung dưới sự chỉ đạo của vị “nhạc trưởng” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, muốn thực hiện thành công các mục tiêu chính trị, việc đầu tiên là phải thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động trong toàn Đảng. Do đó, trên một khía cạnh nào đó chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh trước hết cần được thống nhất về các mặt như đã nêu trên. Bởi mô hình có sẵn, nhân sự kiêm nhiệm, kinh nghiệm đã có nhiều bài học hay từ Trung ương… Vì vậy, sự thành công về mô hình này có tính khả thi cao khi đi vào hoạt động.
Trước năm 2013 mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương phòng Chống tham nhũng đứng đầu Trưởng ban là Thủ tướng Chính phủ về cơ bản đã có một số kết quả. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này vẫn chưa được như kỳ vọng và mong đợi của người dân. Và thực tế minh chứng rằng, khi người đứng đầu Đảng nhận lãnh vai trò Trưởng ban thì công tác này đã có nhiều chuyển biến, đạt được những thành công to lớn.
“Thanh bảo kiếm sắc bén” từ Trung ương
Có thể khẳng định đây là nghệ thuật và khoa học về việc cầm quyền của Đảng. Đảng thực hiện việc cầm quyền bằng dẫn dắt, lãnh đạo, chỉ đạo một cách rõ rệt, tác động sâu sắc (giữ, kiểm soát, nhốt) đến quyền lực nhà nước.
Triển khai một cách khoa học mô hình này ở địa phương thì trước hết Trưởng ban phải là Bí thư Tỉnh ủy đồng thời tham khảo cách thức tham gia vào Thường vụ Đảng ủy Công An tỉnh như Trung ương đang làm. Ban Nội chính và Ủy ban kiểm tra cấp tỉnh là cánh tay đắc lực của Ban – thực sự là “thanh bảo kiếm sắc bén và lá chắn vững chắc” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ dẫn.
Thực hiện việc cầm quyền một cách thống nhất, toàn diện và kiểm soát các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát ở tỉnh... là yếu tố quan trọng để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả. Đó là một số gợi mở tương đối rõ mà Trung ương đã làm để các cấp ủy có thể áp dụng cho phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương mình. Thực hiện tốt đề án này cũng đề cao được trách nhiệm, sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nhật Bắc
Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng không thể thiếu vai trò quan trọng của nhân dân. Đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang phát động phòng ngừa, đấu tranh thì vai trò của nhân dân lại càng được thể hiện rõ rệt. Sự giám sát, sự ủng hộ và giúp sức của nhân dân giúp Đảng thực hiện thuận lợi công tác này.
Chắc chắn với sự thống nhất cao về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, cùng với sự “thiết kế” vừa khoa học về mặt tổ chức, bộ máy và có chỉ đạo của Trung ương thì công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ chung của các cấp ủy đảng, đặc biệt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc rất quan trọng, có liên quan tới sự phát triển và tồn vong của chế độ. Đây không phải là công việc riêng của Trung ương mà cần có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong sự nghiệp chung.
Do đó, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII lần này thảo luận, xem xét và thông qua Đề án thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng cũng như phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam.
Kỳ tới: Củng cố niềm tin của nhân dân, ‘trên nóng, dưới cũng phải nóng’