Lập bản đồ dịch Covid-19 sai sự thật đưa lên mạng có thể bị xử lý hình sự
Thời gian qua, lợi dụng dịch Covid-19 nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lập bản đồ dịch Covid-19 tại Hà Nội với thông tin không chính xác rồi đưa lên Google map, tăng giá bán khẩu trang và thiết bị y tế, trốn khỏi nơi cách ly…Vậy những hành vi này sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện hành?
Những ngày qua, trên mạng xã hội đang lan truyền đường link Google map chia sẻ bản đồ lưu ý dịch Covid-19 tại Hà Nội. Nội dung bản đồ mô tả cho thấy người dùng cần thận trọng, không nên đến các địa điểm được đánh dấu đỏ trên bản đồ khiến người dân lo lắng, hoang mang.
Song theo CATP Hà Nội, thông tin về bản đồ cảnh báo dịch này là không chính xác, mỗi cá nhân không nên tin và chia sẻ bản đồ này. Để cập nhật các thông tin nhanh chóng và chính xác nhất về dịch Covid-19, người dân nên cập nhật thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc các trang thông tin chính thống, có uy tín.
Như vậy, bản đồ dịch Covid-19 tại Hà Nội có thể được tạo lập bởi một cá nhân nào đó rồi đưa lên Google map. Việc đưa thông tin không đúng sự thật gây hoang mang trong dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, mục đích đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Về xử lý hành chính cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Từ 15/4/2020 khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, mức phạt đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội là từ 10 - 20 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 vềTội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng viễn thông theo BLHS 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này nhằm thu lợi bất chính từ 50-dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100-dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm - Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Không chỉ tung tin giả lên mạng xã hội, nhiều đối tượng còn lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, tăng giá bán khẩu trang y tế. Trong khi đó, theo Điều 11 và Điều 12 Luật Giá năm 2012, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế phải niêm yết giá bán khẩu trang và không được bán cao hơn mức giá này.
Ngoài ra, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng; vi phạm nhiều lần, tái phạm sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán khẩu trang cao hơn giá niêm yết mà tổ chức, cá nhân định giá.
Còn về hành vi trốn khỏi nơi cách ly, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, đồng thời bị buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Thậm chí cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là 12 năm tù.