Lắp camera trên xe: Cần thí điểm để tránh lãng phí
Các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải và cần có kế hoạch thí điểm.
Ngày 18-9, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm cùng các doanh nghiệp (DN) về việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải (KDVT) để nghiên cứu nhiều vấn đề chưa thống nhất. Theo đó, hiệp hội đề nghị cơ quan nhà nước nên có thí điểm trước khi áp dụng trên diện rộng, đồng thời lùi thời hạn lắp đặt camera.
Nhiều điều chưa thống nhất
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nêu ra sự không thống nhất giữa Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT và Nghị định 10/2020.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020 quy định: Trước ngày 1-7-2021, ô tô KDVT có sức chứa từ chín chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả khoang chỗ người lái xe và cửa lên xuống) trong quá trình tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 12/2020 lại quy định đơn vị KDVT quyết định vị trí và số lượng camera lắp trên xe của đơn vị mình để đảm bảo quan sát được toàn bộ hình ảnh người lái xe đang làm việc, khoang hành khách và các cửa lên xuống. Như vậy, quy định lắp cả khoang hành khách là quy định khác đối với Nghị định 10/2020. Đồng thời, quy định cũng chưa làm rõ ghi hình trong khoang hành khách nhằm mục đích gì và chưa có cơ sở pháp lý phù hợp.
Cũng theo ông Quyền, nội dung Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2020 cũng chưa có quy định về quy chuẩn của camera lắp trên xe.
Ngoài ra, theo các quy định trong việc KDVT hiện nay thì các DN đang lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo hai quy chuẩn 31/2014 của Bộ GTVT và 12/2015 của Bộ TT&TT. Mục đích là ghi nhận các vi phạm về hành trình và tốc độ của xe, thời gian làm việc của tài xế. Các dữ liệu này được truyền về máy chủ của DN, sau đó được truyền về Tổng cục Đường bộ phục vụ cho công tác nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra và một số địa phương dùng đó làm cơ sở xử phạt hành chính.
Hiện nay, các DN vận tải lắp đặt và duy trì hệ thống giám sát hành trình với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/xe, chi phí truyền dữ liệu là 80.000 đồng/tháng. Nếu tính khoảng 8.000 xe thì chi phí đã lên đến 1.000 tỉ đồng/năm.
Trong khi đó, việc camera lắp đặt trên xe theo quy định tại Thông tư 12 sẽ tăng lên nhiều, càng gây tốn kém chi phí, gây khó khăn cho các DN vận tải, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 như hiện nay.
“Cần hoàn thiện và cụ thể hóa quy định của pháp luật. Đồng thời cần có sự kết hợp với các cơ quan nhà nước và chỉ khi nào tổng kết đánh giá sử dụng hết các tính năng, tác dụng của thiết bị này mới lắp thêm các thiết bị giám sát khác trên xe” - ông Quyền nói.
Cần có thời gian thí điểm
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho hay: “Việc lắp camera này chúng tôi không phản đối, tuy nhiên thời điểm để lắp đặt chưa hợp lý mà cần lùi lại hai năm. Việc kiến nghị lùi thời gian nhằm mục đích nuôi được sức dân sau dịch COVID-19”.
Ông Tính dẫn chứng việc lắp camera chưa phù hợp thời điểm hiện tại khi những cái tồn tại cũ chưa giải quyết được, đơn cử như hiện nay hệ thống hạ tầng của cơ quan nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt chưa có quy chuẩn, DN phải theo sự hướng dẫn của Nhà nước để không có sự nhầm lẫn.
“Theo kinh tế thị trường hiện nay, DN công nghệ nào đến chào mời camera giá rẻ thì DN vận tải sẽ mua, đến lúc không đúng theo quy định của Nhà nước, không sử dụng được lại gây ra lãng phí” - ThS Tính đánh giá.
Đồng tình, đại diện một công ty giám sát hành trình thắc mắc Điều 7 Nghị định 10/2020 quy định camera lắp trên ô tô phải có nhãn mác hàng hóa theo quy định của pháp luật lưu thông trên thị trường và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề này chưa có quy chuẩn cụ thể và cũng chưa biết đơn vị nào cấp phép để đưa ra thị trường, gây khó khăn cho đơn vị vận tải để tiếp cận loại hình này vì có thể có những trường hợp gây lãng phí.
“Chúng tôi đã cung cấp cho một số DN sử dụng camera, tuy nhiên chưa có một cơ quan nhà nước nào chứng thực được việc camera đó đủ tiêu chuẩn theo quy định hay chưa. Vì vậy, DN công nghệ chưa đủ tự tin để cung cấp, mà DN vận tải cũng chưa đủ cơ sở để lựa chọn” - vị này nói.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng, cho biết: “Chúng tôi cũng kiến nghị lùi thời điểm áp dụng khi hiện tại chúng ta chưa chuẩn bị kỹ về công nghệ kiểm soát hình ảnh. Sắp đến ngày thực hiện rồi nhưng chưa có quy định cụ thể nào, nếu có DN đã áp dụng rồi nhưng lại thay đổi quy chuẩn thì sẽ gây lãng phí”.
Đại diện Vụ Vận tải (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay đã tiếp nhận ý kiến của hiệp hội và các DN vận tải. Theo đó, vị này đề nghị hiệp hội có văn bản tổng kết để có cơ sở báo cáo với Tổng cục Đường bộ.
Kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ
Xét thấy tình hình hiện nay và các quy định trong văn bản pháp luật thì các quy định chưa đủ điều kiện để triển khai lắp camera trên diện rộng. Do đó, hiệp hội kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ lùi thời gian áp dụng ít nhất hai năm.
Trong thời gian này, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu để giải quyết các vấn đề còn tồn tại như cơ sở pháp lý ghi hình đối với hành khách, tài xế, điều chỉnh các quy định phù hợp với Thông tư 12/2020.
Đồng thời, Nhà nước cần sớm ban hành quy chuẩn về camera và hoàn thiện hệ thống hạ tầng tiếp nhận dữ liệu, phần cứng, phần mềm để đủ khả năng phân tích và nhận diện dữ liệu nào chứa đựng vi phạm.
Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Cục Đăng kiểm nghiên cứu tiêu chuẩn hệ thống điện trên xe để đảm bảo an toàn khi lắp đặt thêm hệ thống camera.
Đặc biệt, cần có dự án thí điểm loại thiết bị, dẫn dữ liệu để phân tích, đánh giá vấn đề này, trên cơ sở đó điều chỉnh và có tổng kết để áp dụng trên diện rộng.
ÔngNGUYỄN VĂN QUYỀN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam