Lập Hội đồng thẩm định nội bộ Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ
Hội đồng thẩm định nội bộ sẽ rà soát, thẩm định các nội dung nghiên cứu tiền khả thi dự án và báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để trình Thủ tướng theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 115/QĐ – BGTVT về việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Hội đồng thẩm định nội bộ có trách nhiệm rà soát, thẩm định các nội dung của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ theo quy định pháp luật, báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT kết quả thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm tham dự các cuộc họp Hội đồng khi Chủ tịch yêu cầu. Trường hợp thành viên Hội đồng không tham dự cần báo cáo lý do và có văn bản ủy quyền người thay thế phù hợp trước buổi họp. Hội đồng thẩm định nội bộ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan và chỉ đạo Tư vấn cử đúng thành phần để phối hợp với Hội đồng thẩm định nội bộ trong quá trình thẩm định.
Hội đồng bao gồm 16 thành viên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ GTVT.
Cũng tại Quyết định số 115, Bộ GTVT đã thành lập tổ thư ký, giúp việc Hội đồng gồm 3 thành viên.
Trước đó, cuối tháng 1/2024, Ban quản lý dự án đường sắt đã trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ để thẩm định nội bộ.
Theo nghiên cứu sơ bộ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ có điểm đầu tại Ga An Bình thuộc phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ga Cần Thơ thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Dự án được nghiên cứu dài 175,2km, đi qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa; tốc độ vận hành tàu khách là 160km/h, tàu hàng là 120km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ vào khoảng 205.085 tỷ đồng, tương đương khoảng 8.57 tỷ USD.
Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ được đề xuất đầu tư bằng ngân sách Nhà nước với mốc tiến độ: phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025, phấn đấu khởi công giai đoạn 1 trước năm 2030, đưa vào khai thác năm 2035, hoàn thiện và đưa vào khai thác giai đoạn 2 sau năm 2055.
Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ là liên danh tư vấn CTCP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) - CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) - Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).
Cuối năm 2023, CTCP Tập đoàn CT Group (địa chỉ tại TP HCM) đã đề xuất hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Công ty này đề xuất đầu tư đường sắt TP HCM - Cần Thơ là đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tổng chiều dài khoảng 174km, bao gồm 12 ga.
Tuyến đường sắt này khai thác cả tàu khách và tàu hàng với tổng mức đầu tư khoảng 9,98 tỷ USD.
Ngày 19/1/2024, Bộ GTVT có công văn trả lời CT Group rằng bộ đã giao Ban quản lý dự án đường sắt đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận nhằm làm cơ sở huy động nguồn lực triển khai.