Lập kế hoạch cho năm mới
Năm 2024 chỉ vài ngày nữa, những ngày qua, nhiều bạn trẻ bắt đầu hội họp để điểm qua các thành - bại năm cũ, cùng chia sẻ những tổn thương đã qua của nhau và lên kế hoạch chi tiết cho một năm mới lạc quan, hạnh phúc hơn.
Tổng kết năm cũ
Rục rịch bắt đầu từ cuối tháng 11, nhóm bạn hơn 10 người của Lê An (30 tuổi, ngụ TPHCM) bắt đầu lên lịch, đặt phòng họp tại 1 quán cà phê ấm cúng để cùng nhìn lại năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới. Đến ngày, bạn bè cùng nhau hội họp, có người dẫn theo gia đình, có người bắt xe từ miền Tây đến quây quần.
Lê An chia sẻ: “Bận gì cũng tranh thủ cuối năm gặp nhau 1 lần, nhóm tụi mình đều đã đi làm, có va vấp xã hội, thấy trưởng thành hơn nhiều nhưng tổn thương cũng không ít. Bởi vậy nhóm có ý tưởng này, khi mọi chuyện của năm đã qua, mọi người cùng điềm tĩnh nhìn lại 1 năm, ôm ấp những thương tổn cùng nhau, cũng được nghe nhiều góc nhìn hay của người khác về trải nghiệm của mình”.
Chuẩn bị đủ giấy màu, bút màu, 1 người bạn đứng ra dẫn dắt buổi hội họp, yêu cầu mọi người liệt kê 3 thành tựu mình đã vất vả gặt hái được, 3 bài học mình tâm đắc nhất và 3 cảm xúc chủ đạo của mình của năm 2024. Sau đó, từng người đúc kết những điều nằm trong vòng tròn kiểm soát của mình, và những điều nằm ngoài khả năng ấy, từ đó biết “lượng sức mình”, cân đo năng lượng và thời gian tập trung cho những điều có thể kiểm soát.
Có người thì cho rằng, năm nay họ có quá nhiều điều không thể kiểm soát, nên kế hoạch của năm sau sẽ là làm sao để có thể chủ động hơn trong cuộc sống của mình. Một bạn khác lại hướng đến việc năm mới sẽ dành thời gian cho chính bản thân hơn sau một năm tốn nhiều công sức cho những việc bên ngoài xã hội.
“Có thời gian bình tâm nhìn lại, bên cạnh những điều không vui, mọi người lại bất chợt nhìn ra những thành tựu riêng của mình. Có bạn hài lòng nhất là đã vượt qua được những điều mà trước đó tưởng rằng không vượt qua được. Bạn khác lại hài lòng vì cuối cùng mình đã hoàn thành thử thách marathon 10km. Qua câu chuyện của mọi người, mình nhận ra là bao hơn thua tranh giành để đạt được điều này điều nọ lại không khiến mình vui như chiến thắng bản thân mình”, Lê An nói.
Để 2025 không còn phải “xé nháp”
Cuối năm, cứ mở mạng xã hội lên là thấy ai nấy rủ nhau lập kế hoạch, Thùy Dương (30 tuổi, ngụ TPHCM) thật thà: “Sau cú sốc tình cảm năm nay, tôi giật mình nhận ra mình dành cả 10 năm tuổi trẻ phần lớn chỉ nghĩ nhiều tới yêu đương nhưng đều không tới đâu cả. Cú giật mình ấy khiến tôi rất bàng hoàng, thấy thất bại. Tôi đã “xé nháp” liên tục nhiều năm nên giờ phải nhìn lại để hoạch định lại cuộc đời chính mình”.
Theo lời bạn bè, Thùy Dương thử sử dụng vision board (bảng tầm nhìn), một cách tự hoạch định cuộc sống khá phổ biến ở nhiều nước. Đơn giản là dùng 1 tấm bảng, trên đó liệt kê các mục tiêu mình mong muốn thực hiện trong năm về từng khía cạnh học tập, gia đình, sức khỏe…, bên cạnh đó có chi tiết phương pháp mình có thể theo để đạt mục tiêu ấy. Mỗi mục tiêu đi kèm thêm hình ảnh đẹp. Tấm bảng đó sẽ được đặt ở chỗ dễ nhìn như bàn làm việc hay làm thành phiên bản màn hình máy tính, điện thoại…
Cách này hay ở chỗ, mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy hình ảnh ước mơ và sẽ vô thức hướng mọi hành động của mình hướng về mục tiêu đó (còn gọi là “manifest” - thu hút vào tiềm thức, một thuật ngữ rất phổ biến năm rồi); tránh tình trạng đầu năm lên kế hoạch rất phấn chấn nhưng chỉ cần qua tết là đã không còn nhớ gì.
“Tôi và mấy người bạn cùng rủ nhau làm vision board, các mục tiêu cũng đơn giản, nhẹ nhàng thôi, kiểu như “tạo các mối quan hệ tích cực”, “học cách tha thứ cho bản thân mình”, “quan tâm gia đình nhiều hơn”... Điều quan trọng là nếu làm được việc nào, chúng tôi sẽ chia sẻ với nhau để mọi người có thêm động lực, kinh nghiệm. Vì làm cùng cả nhóm, nếu bỏ cuộc sẽ rất xấu hổ, đó cũng là một cách tạo động lực chung cho mọi người”, Thùy Dương chia sẻ.
Với Minh Tuấn, anh có thói quen cứ khoảng gần tết sẽ viết 1 lá thư cho chính mình vào trang mạng xã hội dưới hình thức riêng tư, đó giống như bài tổng kết về được mất của năm cũ, kế hoạch cho năm mới. Ban đầu làm chỉ vì thích viết lách, nhưng sau 5 năm nhìn lại các lá thư đã viết, Tuấn rất hài lòng vì thói quen này giúp mình tập trung đúng vào con đường đã hoạch định, hạnh phúc khi nhìn thấy sự tiến bộ qua mỗi năm và kịp thời sửa mình khi vừa có những sa sút, chểnh mảng. Có những mục tiêu phải theo rất nhiều năm kết quả mới “tàm tạm”, nhưng cách làm này khiến Tuấn rất yên tâm vì mình không đang thả trôi đời mình.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lap-ke-hoach-cho-nam-moi-post775213.html