Lập kế hoạch phủ sóng 5G tại các KCN để đón sóng đầu tư

Trong năm nay, các Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) lập phải kế hoạch phủ sóng 5G tại các khu công nghiệp, khu CNTT tập trung, khu nào cần phủ sóng 5G trong năm 2020, khu nào phủ sóng vào năm 2021, 2022 để đón làn sóng đầu tư mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT-TT quý II.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT-TT quý II.

NDĐT – Trong năm nay, các Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) lập phải kế hoạch phủ sóng 5G tại các khu công nghiệp, khu CNTT tập trung, khu nào cần phủ sóng 5G trong năm 2020, khu nào phủ sóng vào năm 2021, 2022 để đón làn sóng đầu tư mới.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II diễn ra ngày 8-6. Bộ trưởng cho biết, dự kiến đến tháng 10 là thí điểm thương mại hóa sóng 5G.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ CNTT đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lộ trình nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp CNTT để đón làn sóng đầu tư mới FDI, tập trung hạ tầng viễn thông băng rộng, 5G.

Một số tỉnh lớn như TP.Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần chuẩn bị đón đầu tư nước ngoài có giá trị cao nên các khu CNTT tập trung đón các doanh nghiệp nghiên cứu - phát triển (R&D), còn việc lắp ráp linh kiện để các tỉnh lân cận. Việc đưa ứng dụng CNTT vào từng gia đình, hộ kinh doanh buộc phải có doanh nghiệp số địa phương, mục tiêu là 1 doanh nghiệp/1000 dân.

Đối với SIM rác, Bộ trưởng yêu cầu các Sở TT-TT cần xử lý mạnh tay, vừa qua đã thực hiện thanh tra toàn quốc, Bộ trưởng đã có nhắc nhở đến từng doanh nghiệp. Đối với mobile money, Bộ TT-TT yêu cầu là phải định danh được mới cung cấp. Các sở TT-TT coi việc xây dựng hạ tầng bưu chính viễn thông, tần số nói chung là công việc của mình đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp. Lập kế hoạch phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông cho năm 2020 và 2021, Bộ TT-TT sẽ có hướng dẫn chi tiết cho các Sở.

Trong thời gian qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham vấn doanh nghiệp, xây dựng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc lắp đặt, xây dựng trạm BTS trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung trong việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Ngoài ra, Bộ TT-TT đã tiếp nhận và xử lý 18 hồ sơ công bố chất lượng dịch vụ viễn thông; xử lý hơn 5.000 hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu; cấp hơn 2300 giấy chứng nhận hợp quy; 250 bản tiếp nhận công bố hợp quy và gần 6000 giấy chứng nhận kiểm định thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện. Phối hợp với các doanh nghiệp di động tiếp nhận và xử lý 9.761 khiếu nại của người dân liên quan đến dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Cũng theo thống kê của Bộ, trong 5 tháng đầu năm, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) ghi nhận 1.495 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (701 cuộc Phishing, 498 cuộc Deface, 296 cuộc Malware), giảm 43,90% so so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2019. Bộ TT-TT Cục An toàn thông tin (ATTT) chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện, ngăn chặn.

Bộ TT-TT đã làm việc với các doanh nghiệp trong liên minh sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Triển khai phương án giám sát, thống kê việc sử dụng hình thức thanh toán xuyên biên giới trái phép. Đôn đốc các nhà mạng hoàn thành triển khai hệ thống DPI để xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Hoàn thiện việc tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác...

Đồng thời, Bộ TT-TT đã đẩy mạnh việc đấu tranh, đàm phán yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới như Google, Facebook, Apple phải thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc trên nền tảng của các doanh nghiệp này. Tiếp tục rà soát, yêu cầu bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam về xử lý thông tin vi phạm, thanh toán và đóng thuế tại Việt Nam; thực hiện, rà soát các trò chơi điện tử có dấu hiệu đánh bạc, phát hành game vi phạm pháp luật Việt Nam; ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới...

LÂM THẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/44788802-lap-ke-hoach-phu-song-5g-tai-cac-kcn-de-don-song-dau-tu.html