'Lấp khoảng trống' cai nghiện ma túy
Người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, nhưng hiện không có quy định cai nghiện bắt buộc với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Điều này khiến các trung tâm không dám nhận, trong khi tự cai nghiện tại gia đình thì ít hiệu quả. Từ thực tiễn này, TPHCM kiến nghị Trung ương bổ sung quy định để 'lấp khoảng trống' trong việc tổ chức cai nghiện bắt buộc.
Bị bỏ rơi bên ngoài xã hội
Cách đây gần năm, một chiều đi bán hàng về, bà H.N (38 tuổi, ở huyện Bình Chánh) hốt hoảng khi nhìn thấy con trai 14 tuổi đang say hàng đá, nằm quạt tay giữa nhà, miệng lảm nhảm “bơi nhanh kẻo ngộp nước chết”. Sau thời gian suy sụp, gia đình cố gắng đưa con đi cai nghiện. Nhưng do tuổi nhỏ, con bà không được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc mà được hướng dẫn tự cai nghiện tại nhà. Cai tại nhà được mấy tháng, nghiện càng nặng hơn, con trai bà H.N bỏ nhà đi đâu không rõ. Suốt nhiều tháng ròng, vợ chồng bỏ việc đi tìm thì biết con đang vạ vật ở một tỉnh miền Tây. Tình trạng nghiện của cháu nặng hơn nên vợ chồng bà đành đưa con về quê “rời xa đám bạn xấu” để tập trung cai nghiện. Nhắc lại chuyện buồn, bà H.N cho rằng, nếu được đưa đi cai nghiện sớm thì có lẽ con bà đã không đứt đoạn đường học hành sớm vậy.
Trước đây, Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi, TPHCM) từng có thời gian tiếp nhận, cai nghiện cho nhóm người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2, cho biết, thời điểm đó (trước năm 2014), tại đây thường xuyên có khoảng 50 - 60 em trong độ tuổi trên học tập, cai nghiện. Với nhóm trẻ có gia đình, lỡ vướng vào ma túy thì sau khi vào cơ sở khá hợp tác. Ông Hiếu khẳng định, với nhóm người nghiện từ 12 đến dưới 18 tuổi, nếu được cắt cơn, điều trị sớm sẽ tốt hơn là để qua thời gian lâu. Bởi lúc này, ma túy đã tàn phá cơ thể nhiều sẽ khó can thiệp hơn. Khi vào cơ sở cai nghiện tập trung, các em được cắt cơn, giải độc, cai nghiện và được học văn hóa, tham gia các hoạt động, chuẩn bị để hòa nhập cộng đồng sau này.
Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Công an quận 12, cũng nêu thêm thực tế người nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện nay khi bắt không biết đưa vào đâu. Trung tâm bảo trợ xã hội thì không dám nhận người nghiện. Cơ sở xã hội Nhị Xuân cũng không nhận người dưới 18 tuổi. Theo ông, cần phải có nơi tập trung riêng cho những đối tượng này, không thể “bỏ rơi” họ bên ngoài xã hội.
Cần nơi cai nghiện dành riêng cho trẻ
Các chuyên gia nhận định, hiện nay có một khoảng trống trong cai nghiện ma túy cho người vị thành niên cần được quan tâm đặc biệt và sớm khắc phục. Cụ thể, theo Điều 29 Luật Phòng chống ma túy, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.
Tuy nhiên, Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên. Hiện không có quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Trong khi đó, theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, đây là đối tượng cần phải được quan tâm đặc biệt, cần phải điều trị nghiện kịp thời thì mới hiệu quả. Chờ đến 6 năm để đủ 18 tuổi mới điều trị cho người nghiện thì tình trạng nghiện sẽ ngày càng nặng, khó điều trị hơn. Chính vì thế, mới đây, Đoàn ĐBQH TPHCM đã có kiến nghị liên quan đến nội dung này. Trong đó, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu thành lập cơ sở cai nghiện dành riêng cho người dưới 18 tuổi diện tự nguyện và bắt buộc, để công tác quản lý, lập hồ sơ đưa người nghiện trong độ tuổi này cai nghiện (theo Điều 29 Luật Phòng chống ma túy) được thuận lợi. Đoàn ĐBQH cũng kiến nghị các cơ quan hướng dẫn cụ thể về người nghiện ma túy dưới 18 tuổi không có nơi cư trú ổn định.
Từ thực tiễn giám sát, làm việc với các cơ quan liên quan, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính về việc cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Những kiến nghị này được các chuyên gia đánh giá là hợp lý. Bởi lẽ người nghiện ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngày càng trẻ hóa, trong khi thực tế việc tự cai nghiện tại cộng đồng thời gian qua không hiệu quả.
Người nghiện ma túy tăng gần 6%/năm
Theo báo cáo của UBND TPHCM, từ năm 2016-2019, tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại TPHCM gia tăng bình quân hơn 5,7%. Năm 2019, toàn TPHCM có hơn 25.000 người nghiện. Trong đó, số người sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) ngày càng tăng, hiện chiếm 70%-80% số người nghiện. Những người này đa phần là thanh thiếu niên thuộc diện gia đình có điều kiện, thiếu sự quản lý của gia đình và xã hội, dễ bị kích động theo tâm lý đám đông.
Theo một cán bộ Cơ sở xã hội Nhị Xuân, việc tách biệt người nghiện ra khỏi môi trường với nhiều cám dỗ thường trực là rất quan trọng. Do vậy, việc cai nghiện tập trung vẫn hiệu quả hơn so với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lap-khoang-trong-cai-nghien-ma-tuy-679436.html