Lấp khoảng trống công tác xã hội với công nhân trong các khu công nghiệp

'Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế' là chủ đề của hội thảo diễn ra ngày 14/11.

Ảnh minh họa/internet.

Ảnh minh họa/internet.

Hội thảo do Trường ĐH Công đoàn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef và Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn nhấn mạnh, công tác xã hội đã trở thành nghề chuyên nghiệp, có vai trò quan trọng, không chỉ được nhà nước công nhận về mặt pháp lý, xã hội thừa nhận, mà còn trực tiếp giải quyết được những vấn nạn xã hội.

Công tác xã hội giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người, giảm bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội, mang lại niềm vui, hạnh phúc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.

Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn vận dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động giải quyết những vấn đề gặp phải trong các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp-khu chế xuất.

 PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, ở Việt Nam, hoạt động Công tác xã hội với các nhóm lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh... chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là khoảng trống rất lớn trong tiến trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, đặc biệt hoàn thiện các vị trí việc làm và đảm bảo nâng cao kiến thức cho 60.000 cán bộ làm Công tác xã hội.

Khẳng định, nhu cầu công tác xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp là cần thiết; TS Nhạc Phan Linh - Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) nhìn nhận, công nhân cần được hỗ trợ kiến nghị xây dựng chính sách; hỗ trợ tiếp cận pháp lý, dịch vụ công, dịch vụ xã hội. Họ cần được cải thiện tiếp cận an sinh xã hội, hỗ trợ tâm lý cá nhân, can thiệp khủng hoảng….

TS Nhạc Phan Linh - Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo.

TS Nhạc Phan Linh - Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo.

Ngoài việc nhấn mạnh đến vai trò của nhân viên xã hội trong doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Đức Hữu - Khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Công Đoàn) đồng thời nhấn mạnh, các nhân viên xã hội được đào tạo chuyên nghiệp có thể phát triển các chương trình của mình ở cấp độ phòng ngừa, can thiệp và phát triển.

Các phương pháp công tác xã hội như: công tác cá nhân, làm việc nhóm, tổ chức cộng đồng… có thể được sử dụng hiệu quả trong môi trường doanh nghiệp. Nhân viên xã hội có thể giúp người lao động và quản lý doanh nghiệp khắc phục vấn đề của họ để DN có thể phát triển bền vững.

PGS.TS Nguyễn Đức Hữu tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Đức Hữu tham luận tại hội thảo.

Hội thảo tập trung làm rõ 3 chủ đề:

- Chủ đề 1: Các vấn đề và nhu cầu hỗ trợ Công tác xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế;

- Chủ đề 2: Vai trò và sự phối hợp của Công tác xã hội với tổ chức Công đoàn

Việt Nam trong việc trợ giúp người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay;

- Chủ đề 3: An sinh xã hội và Công tác xã hội trong việc đảm bảo quyền cơ bản cho con em người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lap-khoang-trong-cong-tac-xa-hoi-voi-cong-nhan-trong-cac-khu-cong-nghiep-post661080.html