Lấp khoảng trống hành lang pháp lý trong bảo vệ dữ liệu cá nhân

Dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân (DLCN) nói riêng trở thành tài sản quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, đi kèm với đó cũng là rủi ro về việc lộ, lọt DLCN. Do đó, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng và cơ chế hữu hiệu bảo đảm cho thông tin, DLCN được sử dụng đúng mục đích, phục vụ đắc lực cho xã hội, hạn chế nguy cơ bị lạm dụng.

Liên quan đến bảo vệ DLCN trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: "Tỉnh có 3 văn bản trong việc thu thập, quản lý và bảo vệ DLCN. Trong đó, Quyết định số 75/2018/QĐ-UBND về quy định triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường tỉnh Thừa Thiên-Huế có yêu cầu bảo mật DLCN để làm căn cứ cho các cán bộ hoặc các cơ quan khi tác nghiệp. Theo quyết định, khi một công dân phản ánh sự việc trên địa bàn, thông tin của người phản ánh sẽ được giữ kín. Thông tin này chỉ được phép truy cập để đối chất, phục vụ công tác điều tra khi có sự cho phép của UBND tỉnh".

 Người dùng cần lưu ý khi điền thông tin cá nhân trong lúc sử dụng các ứng dụng trò chơi.

Người dùng cần lưu ý khi điền thông tin cá nhân trong lúc sử dụng các ứng dụng trò chơi.

Bên cạnh những địa phương, tổ chức chú trọng bảo vệ nguồn DLCN, tình trạng rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân còn diễn ra khá phổ biến. Nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý DLCN vì mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này dẫn đến thực tế người sử dụng điện thoại nhận được những cuộc gọi không mong muốn tiếp thị về dự án bất động sản, bảo hiểm thương mại...

Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, chuyên gia Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, một điểm yếu trong bảo vệ thông tin và DLCN hiện nay là tình trạng thiếu hụt quy định, đồng thời các quy định nằm tản mát trong nhiều văn bản. Ông Nguyễn Tiến Lập dẫn chứng: “Hiện có 17 luật, nghị định điều chỉnh vấn đề này nhưng hầu hết dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Do đó, trên thực thực tế, quyền và nghĩa vụ của chủ thể thu thập, xử lý, khai thác dữ liệu chưa được quy định rõ”.

Liên quan đến vấn đề này, theo Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương: Chế tài xử lý hiện chưa đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe dẫn đến không ít doanh nghiệp sẵn sàng thu thập DLCN vì lợi nhuận.

Ngoài yếu tố liên quan đến pháp luật, việc bảo vệ DLCN cũng đứng trước nhiều khó khăn bởi ý thức bảo vệ thông tin, DLCN của người dùng còn hạn chế.

Khẳng định bảo vệ DLCN là vấn đề quan trọng được Chính phủ quan tâm trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh, Trưởng phòng Hạ tầng và Dữ liệu số (Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Trọng Khánh cho biết: “Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc thành các hướng dẫn, quy trình thực hiện cụ thể, nhằm bảo đảm tiến trình chuyển đổi số trong các cơ quan công quyền luôn gắn với việc bảo vệ tốt nhất dữ liệu công dân”.

Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng Luật Bảo vệ DLCN nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt các quy định pháp lý cụ thể về bảo vệ dữ liệu; đồng thời khắc phục tình trạng quy định vừa trùng lặp vừa phân tán trong nhiều văn bản chuyên ngành.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Cương cho biết, cần nghiên cứu xây dựng Luật Bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở kế thừa một số quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã có trong Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử nhưng điều chỉnh toàn diện hơn việc bảo vệ thông tin cá nhân. Trong đó, cần quy định đầy đủ hơn các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân, quy định việc thu thập và xử lý thông tin cá nhân liên quan tới trẻ em, quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình thu thập, lưu trữ, xử lý, khai thác, chuyển giao thông tin cá nhân, cùng với đó là các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân cũng cần quy định cơ chế hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng tiến trình hội nhập đang tác động rất mạnh mẽ tới Việt Nam.

Việc bảo vệ DLCN cần xuất phát từ hành động của mỗi người. Trên thực tế, không thể đổ lỗi cho người khác khi bản thân cá nhân sử dụng internet có thói quen tải hàng loạt ứng dụng miễn phí, có yêu cầu xác thực quyền sử dụng bằng số điện thoại di động hay cung cấp số chứng minh thư nhân dân, thông tin ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nhiều thông tin khác tới các ứng dụng hoặc lên trên mạng xã hội mà không tìm hiểu các thông tin đó sẽ được sử dụng vì mục đích gì.

Bài và ảnh: VŨ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/lap-khoang-trong-hanh-lang-phap-ly-trong-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-632532