Lấp khoảng trống mảng xanh đô thị
Dù dân số đã chạm ngưỡng 10 triệu, thế nhưng TPHCM lại đang thiếu trầm trọng mảng xanh đô thị, đất công viên toàn thành phố mới chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người. Việc thiếu các điều kiện cần thiết về môi trường, mảng xanh đô thị đã và đang tác động đến nhiều vấn đề dân sinh của đô thị đông dân nhất nước.
Nhiều dự án “đóng băng”
Dự án công viên Sài Gòn Safari có quy mô hơn 456ha bao gồm địa phận các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TPHCM), là một trong những dự án được kỳ vọng sẽ cung cấp một diện tích lớn mảng xanh đô thị cho TPHCM. Dù vậy, dự án đã “án binh bất động” ngót nghét 20 năm qua mà chưa tiến triển được hạng mục công trình nào. Mới đây, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã phải đề xuất đến UBND TPHCM đề nghị được tháo gỡ khẩn cấp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có dự án “treo” Công viên Sài Gòn Safari.
Tại TP Thủ Đức, dự án Công viên Sài Gòn Silicon được UBND TPHCM giao diện tích đất 52ha với hạ tầng kỹ thuật san lấp đầy đủ để thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM. Thế nhưng cũng như dự án Công viên Sài Gòn Safari, sau 7 năm kể từ ngày khởi công đến nay dự án Công viên Sài Gòn Silicon vẫn bị “treo” lại. Hiện trạng dự án chỉ xây dựng được vài hạng mục rồi bỏ hoang nằm phơi nắng, phơi mưa. Do chậm triển khai, ngay đầu năm 2023 ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch TPHCM đã chỉ đạo hoàn tất thủ tục thu hồi giấy phép đầu tư dự án này ngay trong năm nay.
Tương tự “siêu dự án” công viên ở TP Thủ Đức, dự án quy hoạch công viên cây xanh phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM) đã có chủ trương từ hàng chục năm trước đây. Kể từ năm 1999, quận 12 có đồ án quy hoạch chung quy hoạch công viên với diện tích 250 ha, sau đó thu hẹp quy mô còn 150 ha vào năm 2013. Đến 2019, UBND TPHCM chấp thuận đề xuất xây dựng công viên, nhưng nhiều năm qua dự án cũng vẫn nằm trên giấy do không thu hút được nhà đầu tư kèm theo vướng mắc nhiều thủ tục.
Không chỉ các “siêu dự án” công viên cây xanh, nhiều quận trung tâm TPHCM cũng thiếu trầm trọng mảng xanh đô thị do không còn quỹ đất. Trường hợp như quận 1 phải cải tạo trên một diện tích ven sông Sài Gòn để xây dựng công viên bến Bạch Đằng, đã chỉnh trang xong và cho người dân tham quan, sinh hoạt kể từ đầu năm 2022. Tương tự, UBND quận 3 trên cơ sở cải tạo hai vỉa hè song song với tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để tăng thêm diện tích mảng xanh đô thị nhưng nhiều năm qua, chính quyền quận 3 cũng phải “đau đầu” để bổ sung thêm diện tích cho mảng xanh đô thị do không còn quỹ đất.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, quy hoạch từ nay đến 2025 TPHCM phát triển diện tích công viên công cộng hơn 11.000ha, tương đương với chỉ tiêu bình quân 7m2 cho mỗi người dân. Dù vậy, kết quả rà soát mới đây cho thấy diện tích công viên của thành phố mới chỉ có hơn 500ha, tức chỉ tương ứng khoảng 0,55 m2/người.
Xã hội hóa để thu hút đầu tư
UBND TPHCM vừa có kế hoạch “hồi sinh” dự án quy hoạch treo tại quận 12 thành công viên đa chức năng. Cụ thể, công viên cây xanh phường Thạnh Xuân của quận 12 sau 23 năm vẫn nằm trên giấy thì nay sẽ được cho phép xã hội hóa xây dựng thành công viên đa chức năng với nhiều dịch vụ, tiện ích đẳng cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch UBND quận 12, khu vực quy hoạch công viên cây xanh cũ hiện nay là khu đất trống và nhà dân thưa thớt đan xen sẽ phù hợp phát triển thành công viên đa chức năng, không gian đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí, thưởng lãm của người dân.
Cũng theo ông Đức, hiện nay quận 12 đã chạm ngưỡng dân số hơn 675.000 người, là một trong những quận có dân số cao của TPHCM, do đó nhu cầu về hạ tầng giao thông, đô thị, khu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa ngày càng trở nên cấp thiết đối với địa phương này. Để nhanh chóng “hồi sinh” quy hoạch treo, UBND quận 12 đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý, đề xuất chính sách đầu tư, tài chính và xã hội hóa để thu hút đầu tư.
Còn ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, quận sẽ tận dụng tối đa các cơ chế chính sách đặc thù để tăng thêm quỹ đất cho xây dựng công viên và mảng xanh đô thị. Theo ông Tùng, TP Thủ Đức đã đề ra chỉ tiêu trồng mới lên tới 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025. Đến nay thành phố đã hoàn thành khối lượng trồng mới được gần 750.000 cây, đạt tỷ lệ gần 75%. Có được thành quả này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, nhờ vào kêu gọi xã hội hóa và đặc biệt sự tham gia của đông đảo người dân thành phố vào phát triển mảng xanh đô thị, với tinh thần “trồng cây nào tốt cây đó”, góp sức vào hoàn thành chỉ tiêu trồng 10 triệu cây xanh của cả TPHCM.
Theo Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2025, UBND TPHCM đặt mục tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, tương đương với chỉ tiêu trồng mới khoảng 10 triệu cây xanh các loại. Với quyết tâm này, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt được chỉ tiêu về diện tích cây xanh trên đầu người là 1m²/người, mức tiêu chuẩn về mảng xanh đô thị của các “siêu đô thị” hiện nay ở khu vực.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lap-khoang-trong-mang-xanh-do-thi-5710728.html