Lấp 'khoảng trống' pháp lý trong phòng, chống ma túy

Luật phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) với nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn, có tính thống nhất giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật. Qua đó, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống ma túy trước đây, đồng thời lấp “khoảng trống” về pháp lý, từng bước đẩy lùi, kiềm chế tệ nạn ma túy, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.

Công an xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên phối hợp với các trưởng thôn dân cư lên kế hoạch tuyên truyền luật phòng, chống ma túy cho nhân dân Ảnh: Trường Khanh

Công an xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên phối hợp với các trưởng thôn dân cư lên kế hoạch tuyên truyền luật phòng, chống ma túy cho nhân dân Ảnh: Trường Khanh

Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp, không ít trường hợp sử dụng ma túy dẫn đến “loạn thần”, “ngáo đá” gây bất ổn ANTT. Trong khi đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo hành lang pháp lý trong công tác điều tra, đấu tranh, xử lý với loại tội phạm nguy hiểm này.

Trước thực trạng đó, Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) năm 2021 ra đời nhằm khắc phục những bất cập đó, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống ma túy.

Một trong những điểm mới của Luật PCMT 2021 là quy định cụ thể về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Tất cả những người sử dụng trái phép chất ma túy khi bị phát hiện ngay từ lần đầu sẽ chịu sự quản lý của UBND cấp xã nơi cư trú, trong thời hạn 1 năm, nhưng không được coi là biện pháp xử lý hành chính.

Cùng với đó, Luật PCMT 2021 cũng quy định chặt chẽ hơn về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, tái hòa nhập cộng đồng, trong đó, có quy định mới được dư luận đặc biệt quan tâm là việc đưa người nghiện ma túy đủ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế đặc thù đối với cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy; bổ sung các quy định về nguồn tài chính đối với công tác phòng, chống ma túy được đề cập…

Thượng tá Phạm Xuân Lưu, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh cho rằng: Luật PCMT năm 2021 với nhiều điểm mới. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhân rộng các mô hình phòng, chống ma túy; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, lập danh sách những đối tượng nghiện, trong diện quản lý, theo dõi.

Phát huy vai trò của các Tổ công tác cai nghiện ma túy tại 133/136 xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; kiên quyết đưa các đối tượng đủ điều kiện đi cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định.

Từ khi Luật PCMT có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 210 vụ, 253 bị can, tăng 13 vụ, 21 bị can so với cùng kỳ năm 2021.

Công tác quản lý người sử dụng ma túy và cai nghiện cũng được triển khai chặt chẽ hơn. Lực lượng chức năng đã hoàn thiện hồ sơ đưa 72 người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, lập hồ sơ đưa hàng trăm đối tượng sử dụng ma túy vào diện theo dõi, quản lý tại địa phương.

Số đối tượng nghiện ma túy đang được kiểm soát và quản lý chặt chẽ tại các địa phương với gần 1.600 đối tượng. Khi số người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy giảm sẽ giảm các loại tội phạm liên quan đến ma túy và các tội phạm hình sự khác.

Qua khảo sát ở phường Đống Đa (Vĩnh Yên) hiện đang quản lý hơn 140 đối tượng liên quan đến ma túy, 3 đối tượng tha tù trước thời hạn có điều kiện. Từ khi Luật PCMT năm 2021 được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an phường trong việc quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Các đối tượng nghiện thuộc diện đi cai nghiện bắt buộc đã được hoàn thiện hồ sơ, đưa đi cai nghiện; các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy ngay khi phát hiện lần đầu đều được UBND phường lập hồ sơ đưa vào diện theo dõi, quản lý, giáo dục theo quy định. Nhờ vậy, tình hình ANTT ở địa phương ổn định. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không phát sinh trường hợp phạm tội liên quan đến ma túy.

Thời gian đầu triển khai Luật PCMT 2021, do các văn bản hướng dẫn Luật chưa được ban hành kịp thời, nên một số ngành, địa phương còn lúng túng trong việc triển khai.

Số đối tượng nghiện ma túy đủ điều kiện đưa đi cai nghiện bắt buộc tăng, tạo áp lực cho Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trong khi đội ngũ cán bộ thiếu, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Công tác xác định tình trạng nghiện; quản lý cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện còn gặp khó khăn, nhiều nơi chưa hiệu quả.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/81326/lap-%E2%80%9Ckhoang-trong%E2%80%9D-phap-ly-trong-phong-chong-ma-tuy.html