Lập lại kỷ cương giao thông, CSGT ưu tiên phạt qua camera
Đại diện Cục CSGT cho biết, nghị định mới tăng mức phạt là để lập lại kỉ cương, trật tự khi tham gia giao thông. Đồng thời, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay để ghi hình xử lý vi phạm.
Chiều 29/12, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, để đảm bảo triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 168/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2020 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Đại diện Cục CSGT nhận định, hiện nay tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc nhất là tại các thành phố lớn diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội và người dân. Đồng thời, tình trạng vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông.
"Ban soạn thảo Nghị định sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định 100 nhận thấy rằng, cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", đại diện Cục CSGT nói.
Đại diện Cục CSGT đưa ra ví dụ về một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về quy tắc giao thông sẽ tăng mức phạt như: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều... vì đây là những hành vi lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm khác về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như: Xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số... vì có rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, trốn tránh phạt “nguội” của hệ thống giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
"Kinh nghiệm của việc thực hiện Nghị định 100 đối với việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đến nay bước đầu đã tạo dựng được thói quen- Đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông- của người dân và được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ", đại diện Cục CSGT nói.
Tăng gấp hàng chục lần mức phạt vi phạm giao thông
Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định mới đã xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao. Thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…
Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền được nâng từ 4 – 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng. Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành.
Đồng thời, các quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2-3 lần so với hiện hành.
Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông mức xử phạt cũng nâng cao hơn so với hiện hành.
Cục đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, tuyến phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm. Ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần tạo dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.