'Lập làng, xây thế vững lòng dân' nhìn từ đề án xây dựng điểm dân cư biên giới Tây Nam-Bài 3: Bộ đội đi đầu, đồng thuận 'trước-sau' (Tiếp theo và hết)

Diện mạo và sức sống mới ở những điểm dân cư biên giới Tây Nam đã khẳng định chủ trương đúng đắn, mô hình sáng tạo, quyết liệt và đồng bộ, trên dưới đồng lòng của LLVT Quân khu 7 và các địa phương trong phát huy các nguồn lực xây dựng làng mới nơi biên cương. Quá trình triển khai, Bộ đội Cụ Hồ luôn giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt đi đầu, tiên phong tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, kết quả vượt gấp đôi mục tiêu đề ra, giúp nhân dân ổn định lâu dài nơi biên giới.

Gỡ khó từ sự đồng thuận, đồng lòng

Thực tế cho thấy, ở mỗi điểm dân cư, không chỉ cấp đất, xây nhà mà còn cần xây dựng hạ tầng đồng bộ kèm chính sách giúp dân ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó lâu dài trên biên giới. Hơn nữa, các thủ tục pháp lý thu hồi, chuyển mục đích, điều chỉnh quy hoạch đất rừng, đất nông nghiệp, pháp lý xây dựng nhà, công trình dân sinh... đòi hỏi sự phối hợp giải quyết của nhiều cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, thậm chí cả bộ, ngành Trung ương.

Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 cho biết, ngay từ lúc chuẩn bị đề án, Quân khu 7 đã tổ chức hàng trăm đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá toàn tuyến biên giới, hội nghị phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp nhằm thống nhất nội dung, kế hoạch, mục tiêu, nguồn lực. Quá trình xây dựng đến bàn giao, Quân khu luôn hướng đến bảo đảm tốt nhất giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó mật thiết với lực lượng bảo vệ biên giới cùng xây dựng biên giới ổn định, bình yên.

Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh bàn giao nhà, tặng quà các hộ dân điểm dân cư Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: PHAN NẾT

Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh bàn giao nhà, tặng quà các hộ dân điểm dân cư Thành Nam, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: PHAN NẾT

Thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ các dự án điểm dân cư trước đây được Quân khu 7 rút kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo. Đặc biệt là kinh nghiệm từ chương trình cụm, tuyến dân cư tránh lũ ở miền Tây Nam Bộ vào thập niên 2000 gặp nhiều khó khăn, không ít người dân sau khi nhận nhà do thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm... nên đã rời đi. Quân khu 7 cùng các tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ, căn cứ thực tế ở mỗi điểm dân cư để có các chính sách hỗ trợ bền vững như cấp đất sản xuất, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; dạy nghề thủ công, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn... Các đơn vị LLVT cử cán bộ giúp đỡ các gia đình trong giai đoạn đầu sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Đồng chí Cao Thị Hồng Mận, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bù Đốp (Bình Phước) chia sẻ: Kinh nghiệm giúp huyện Bù Đốp sớm hoàn thành 6 điểm dân cư là, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thuộc huyện giải quyết các thủ tục, pháp lý, ưu tiên điều phối nguồn vốn đầu tư của địa phương và Trung ương, thiết lập cơ sở đảng, tổ chức đoàn thể xã hội, huyện còn phối hợp chặt chẽ với Bộ CHQS tỉnh, Binh đoàn 16, các công ty cao su bố trí nguồn đất sản xuất, việc làm cho các hộ dân, vận động tài trợ các công trình văn hóa...

Trong triển khai Đề án 811, các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Bộ CHQS tỉnh có vai trò tham mưu, chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chỉ tiêu xây dựng điểm dân cư. Theo đồng chí Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 811 tỉnh Tây Ninh, tỉnh đưa các điểm dân cư vào quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn, nghị quyết lãnh đạo ở các cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đề án. Hiện nay đã hoàn thành 21 điểm dân cư, bố trí 115 hộ dân. Từ nay đến cuối năm 2024, Ban chỉ đạo đề án tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh chủ trì phối hợp xây dựng xong 5 điểm dân cư bố trí 30 hộ dân ở 3 huyện biên giới Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, tổng kinh phí hơn 7,1 tỷ đồng.

Bộ đội đi đầu, tuyến sau hỗ trợ tuyến trước

Vấn đề huy động nguồn lực kinh phí xây dựng các điểm dân cư và hạ tầng kèm theo là khó khăn, thách thức lớn nhất. Bởi vì nguồn đầu tư ban đầu của Quân khu 7 chỉ đáp ứng một phần, còn lại dựa vào các nguồn xã hội hóa. Theo Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7, Đề án 811 vượt tiến độ cả 3 giai đoạn là nhờ Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt, đi đầu khắc phục khó khăn, bám sát, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời ở từng điểm dân cư do các đơn vị thuộc LLVT Quân khu thực hiện. Các đơn vị đã đầu tư kinh phí, huy động xã hội hóa để tạo nguồn lực thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, làm tới đâu thấy hiệu quả đến đó. Mỗi điểm dân cư là một hình mẫu tạo sự lan tỏa, nhân rộng, là sự chung sức, đồng lòng, tuyến sau hỗ trợ tuyến trước, phát huy trách nhiệm xây dựng biên cương ổn định, phát triển.

Quân khu 7 trao bò giống sinh sản tặng hộ dân ở điểm dân cư biên giới địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PHAN NẾT

Quân khu 7 trao bò giống sinh sản tặng hộ dân ở điểm dân cư biên giới địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ảnh: PHAN NẾT

Đồng chí Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, từ kết quả của giai đoạn đầu, tỉnh Bình Phước đã đầu tư mở rộng các điểm dân cư thành các khu dân cư kiểu mẫu, đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng Làng thanh niên dân tộc thiểu số tại xã biên giới Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh tạo chỗ ở cho 100 hộ dân với 350 khẩu. Năm 2023, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư 40 tỷ đồng và Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí 20 tỷ đồng xây dựng 500 căn nhà để tăng dày, mở rộng 3 điểm dân cư: Hưng Phước, Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) và Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh), đến nay đã hoàn thành, bàn giao 93 căn nhà.

Ở tỉnh Long An, cùng nguồn đầu tư của Bộ tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh đầu tư 169 tỷ đồng vốn đối ứng để kết nối điện lưới quốc gia cho toàn tuyến biên giới của tỉnh và 22,5 tỷ đồng đầu tư cho nước sạch, bảo đảm 100% hộ dân có nguồn điện, nước sạch. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Long An đã nỗ lực hoàn thành 9 điểm dân cư với tổng 59 căn nhà.

Một phương châm được Quân khu 7 vận dụng sáng tạo, hiệu quả để huy động nguồn lực là "tuyến sau hỗ trợ tuyến trước". Các địa phương trong nội địa hỗ trợ các tỉnh biên giới như: UBND TP Hồ Chí Minh (30 tỷ đồng), Bình Dương (20 tỷ đồng), Đồng Nai (20 tỷ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (10 tỷ đồng). Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: Bộ tư lệnh thành phố đã tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thực hiện các chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm dân cư biên giới. Bộ tư lệnh thành phố đã hỗ trợ gần 17 tỷ đồng xây dựng 211 căn nhà ở 3 tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước; vận động các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây nhiều công trình dân sinh, văn hóa, tặng quà người dân. Năm 2024, Bộ tư lệnh thành phố cùng các đơn vị hỗ trợ các điểm dân cư ở Tây Ninh 30 con bò giống, tổng trị giá 600 triệu đồng.

Đề án 811 đang gần về đích vào năm 2025, với kết quả nổi bật, vượt trội so với mục tiêu ban đầu đã khẳng định mô hình mới đột phá, sáng tạo, hiệu quả, hợp lòng dân; tạo tiền đề, kinh nghiệm quý báu để Quân khu 7 và các địa phương cả nước triển khai các chương trình nhà ở, cụm dân cư biên giới. Những mái nhà ngói mới, thế vững lòng dân và tình quân dân ngày càng được vun đắp, bền chặt đang từng ngày đánh thức tiềm năng kinh tế, xã hội, xây dựng biên giới ổn định, vững chắc, đoàn kết cùng nhân dân nước bạn Campuchia xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/lap-lang-xay-the-vung-long-dan-nhin-tu-de-an-xay-dung-diem-dan-cu-bien-gioi-tay-nam-bai-3-bo-doi-di-dau-dong-thuan-truoc-sau-tiep-theo-va-het-788998