Lấp 'lỗ hổng' quản lý chất kịch độc
Tháng 12-2022, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi) mức án chung thân trong vụ án đầu độc cha ruột bằng Xyanua.
Người bán Xyanua là Trần Thị Ngọc Thư bị tuyên 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất độc”. Thời điểm đó, các lỗ hổng trong quản lý kinh doanh hóa chất cũng được phân tích, đào xới, đề xuất phương án.
Thế nhưng, vụ án Nguyễn Thị Hồng Bích (tỉnh Đồng Nai) nghi đầu độc nhiều người thân bằng Xyanua vừa bị phát hiện, lại chứng tỏ lỗ hổng vẫn còn đó!
Thực tế, pháp luật đã quy định đầy đủ về việc mua bán, kinh doanh hóa chất trong Luật Hóa chất 2007 sửa đổi, bổ sung năm 2018; Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP.
Là ngành kinh doanh có điều kiện, các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất phải đảm bảo rất nhiều quy định và duy trì trong thời gian hoạt động. Pháp luật cũng quy định rõ, khi mua bán hóa chất độc hại phải có phiếu kiểm soát và lưu trữ trong 5 năm, xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu. Phiếu kiểm soát này cần thông tin giấy tờ tùy thân của bên mua và bán; số lượng và mục đích sử dụng... làm cơ sở kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.
Quy định là vậy, nhưng thực tế, người mua hầu như không bao giờ phải xuất trình giấy tờ cá nhân để mua axit hay hóa chất công nghiệp ở các cửa hàng, chứ chưa nói đến chuyện mua bán tự do trên mạng xã hội.
Trong khi đó, trên “chợ ảo”, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ của các dịch vụ, sản phẩm từ thượng vàng đến hạ cám. Lẽ dĩ nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi người mua, kẻ bán không ai lộ diện.
Từ đây, giao dịch chất kịch độc Xyanua thuận lợi đến mức chỉ sau một cú click chuột, hàng được giao hỏa tốc đến tận tay khách hàng. Số lượng chất độc đó được dùng làm gì, có hại người hay không, tiêu hủy ra sao, đường đi thế nào... không ai biết và kiểm soát.
Các bác sĩ đầu ngành về hồi sức chống độc ở TPHCM đã phải rùng mình khi nhận thấy việc mua Xyanua dễ dàng như thế nào. Họ là những người phải vận dụng tất cả bản lĩnh và chuyên môn để giành giật người bệnh từ tay tử thần, nên hiểu rất rõ giá trị của sự sống cũng như sự khốc liệt của độc chất, hóa chất.
Khắc phục những lỗ hổng, siết chặt quản lý trong trong sản xuất, kinh doanh hóa chất là yêu cầu khẩn thiết lúc này, không chỉ ở cảnh báo và bức xúc. Bởi lẽ khi axit rất dễ bán, chất kịch độc rất dễ mua, thì xã hội cũng tiềm ẩn những nguy cơ của mất an ninh trật tự và mầm mống của những tội ác.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lap-lo-hong-quan-ly-chat-kich-doc-post748711.html