Lập luận của tòa khi không xét kháng cáo thay của các bị cáo bỏ trốn

Tòa không xét đơn kháng cáo của người thân, luật sư của bà Nhàn và các bị cáo bỏ trốn khác do không thuộc trường hợp được kháng cáo thay.

Ngày 22-5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm vụ vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa - nhận hối lộ xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế - AIC và BV đa khoa tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo phải tự thực hiện quyền kháng cáo

Vụ án này 16 bị cáo kháng cáo trong đó có tám bị cáo bỏ trốn, đang bị truy nã gồm Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC, án sơ thẩm tuyên 30 năm tù), Nguyễn Đăng Thuyết, Trần Mạnh Hà, Ngô Thế Vinh… Đơn kháng cáo của các bị cáo bỏ trốn do luật sư, thân nhân thực hiện thay.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: BT

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: BT

HĐXX đã xem xét vấn đề này trong phần thủ tục phiên tòa. Các luật sư của nhóm bị cáo này đề nghị tòa chấp nhận đơn kháng cáo và xét xử phúc thẩm.

Còn VKS đề nghị tòa xét xử theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo và người liên quan, đảm bảo các bị cáo được xét xử đúng pháp luật, theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo do luật sư, thân nhân kháng cáo thay cho nhóm bị cáo bỏ trốn. Theo HĐXX, Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định về quyền kháng cáo của bị cáo, bị hại, theo đó các bị cáo phải tự thực hiện quyền kháng cáo, luật sư bào chữa, thân nhân không thể kháng cáo thay.

Quá trình điều tra, các bị cáo bỏ trốn. Đến khi xét xử sơ thẩm, tòa cấp sơ thẩm đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng nhưng các bị cáo vẫn vắng mặt.

Do các bị cáo vắng mặt nên tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Hết thời hạn kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.

Đến nay, các bị cáo chưa ra đầu thú, chưa có mặt tại phiên tòa. Việc các bị cáo bỏ trốn thể hiện các bị cáo đã tự từ bỏ quyền tự bào chữa, quyền kháng cáo đối với những nội dung của vụ án này.

Trong nhóm bị cáo bỏ trốn, có hai bị cáo có đơn kháng cáo gửi từ nước ngoài. Theo HĐXX, tòa án cấp sơ thẩm có tiếp nhận lưu trong hồ sơ thể hiện có đơn đề “đơn kháng cáo”, người gửi Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ Mỹ.

Tuy nhiên, những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục Lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...). Hai bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo.

Do đó, HĐXX phúc thẩm cho rằng không đủ căn cứ chấp nhận xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh cũng như các bị cáo đang bị truy nã khác.

Ngoài ra, có hai bị cáo rút kháng cáo. Như vậy, tòa án chỉ xét đơn kháng cáo của sáu bị cáo trong vụ án này.

Theo HĐXX, việc các bị cáo bỏ trốn thể hiện các bị cáo đã tự từ bỏ quyền tự bào chữa, quyền kháng cáo đối với những nội dung của vụ án này.

Các bị cáo nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt

Tại phiên tòa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Sở Y tế, cựu giám đốc BV đa khoa Đồng Nai (án sơ thẩm tuyên 19 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt ở cả hai tội.

Bị cáo Vũ khai không biết bà Nhàn trước đó, chỉ biết bà Nhàn khi được lãnh đạo tỉnh giới thiệu. Về Công ty AIC, bị cáo không chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện trúng thầu. Theo bị cáo, đây là công ty lớn, do Tỉnh ủy, UBND tỉnh giới thiệu nên bị cáo có nói với cấp dưới “không được gây khó khăn”.

Ở tội nhận hối lộ, Phan Huy Anh Vũ bị cáo buộc nhận 14,8 tỉ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo khai khi nhận tiền chỉ nghĩ đó là quà của Công ty AIC, không nghĩ đó là hối lộ. Đến nay, gia đình bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền này và khắc phục hậu quả thêm 500 triệu đồng.

Bị cáo trình bày về thành tích trong công tác, là thầy thuốc nhân dân, Sở Y tế có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo. Từ đó, bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC (án sơ thẩm tuyên 12 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng), thừa nhận có vai trò giúp sức nhưng không phải là chủ mưu, không bàn bạc với bà Nhàn. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương. Khi vụ án xảy ra, các cơ quan pháp luật vào cuộc, bị cáo mới biết hành vi của mình vi phạm.

Bị cáo cho rằng có yêu cầu nhân viên xác định danh mục, giá cấu hình cho trang thiết bị công ty tham gia dự thầu. Tuy nhiên, đây là việc bình thường ở các công ty nhằm mục đích làm tốt việc kinh doanh, chỉ là để hoàn thành công việc của lao động. Ngoài ra, bị cáo Nga cũng đề nghị xem lại trách nhiệm dân sự của mình trong vụ án này.

Các bị cáo khác cũng xin tòa xem xét lại mức độ hành vi và giảm nhẹ hình phạt. Trong đó, bị cáo Vũ Quang Ngọc (giám đốc văn phòng Công ty Medicosult), bị cáo Lê Chí Tuân (trưởng phòng Công ty AIC) xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh (giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân), bị cáo Lê Thị Hương (phó ban kế toán Công ty AIC) xin được hưởng án treo.

Công ty AIC muốn bồi thường toàn bộ thiệt hại

Tại phiên tòa, với tư cách bị đơn dân sự, đại diện Công ty AIC cho rằng tòa án xác định tổng thiệt hại 152 tỉ đồng của vụ án là quá lớn, trong khi doanh nghiệp còn phải bỏ chi phí, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, công ty đề nghị tòa xem xét lại.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm xác định công ty là bị đơn dân sự, có nghĩa vụ bồi thường. Công ty chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại của vụ án và đề nghị tòa xem xét lại phần nghĩa vụ dân sự của các bị cáo.

Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên buộc Công ty AIC, bị cáo Trần Mạnh Hà, Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường mỗi người 15 tỉ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải bồi thường hơn 103 tỉ đồng.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lap-luan-cua-toa-khi-khong-xet-khang-cao-thay-cua-cac-bi-cao-bo-tron-post734483.html