Lập nghiệp trên đất khó

Những năm qua, quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên quê hương của tuổi trẻ huyện Đakrông được thể hiện từ những mô hình kinh tế trang trại mang đậm dấu ấn thanh niên. Tuy kết quả đem lại chưa cao so với nhiều mô hình kinh tế điển hình ở những vùng thuận lợi khác, nhưng với thanh niên Đakrông đã mang nhiều ý nghĩa, trong đó nổi bật nhất là thể hiện sự đổi mới từ cách nghĩ, cách làm trong hành trình vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

 Mô hình rừng tràm của Hồ Văn Lâm - Ảnh: LP

Mô hình rừng tràm của Hồ Văn Lâm - Ảnh: LP

Những năm trở lại đây, phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ đoàn trên địa bàn huyện Đakrông hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều thanh niên đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả khá cao, góp phần vào công cuộc giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Đakrông ngày càng khởi sắc.

Đakrông là huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, địa hình đồi núi khá phức tạp, chia cắt; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là thiên nhiên khắc nghiệt, có lúc bệnh dịch hoành hành. Trước đây, người dân vẫn còn tập quán đốt nương làm rẫy, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng phân tán, nhỏ lẻ. Trong tổng số hơn 7.000 thanh niên toàn huyện thì số con em đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô chiếm tới gần 80%. Về cơ bản, lực lượng thanh niên có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đông đảo thanh niên, Huyện đoàn Đakrông đã tiến hành khảo sát thực trạng nhu cầu của thanh niên tại địa phương và đứng ra tổ chức ký kết các văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế.

Để công tác triển khai nguồn vốn vay cho thanh niên đạt hiệu quả cao nhất, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp tổ chức tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ đoàn về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của các chương trình vay vốn. Theo đó, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương và các thôn, bản, hướng dẫn các hộ thanh niên lập hồ sơ vay vốn, bình chọn những hộ thanh niên có các điều kiện để sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay; tập huấn, chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho thanh niên, hướng dẫn xây dựng đề án cụ thể, phù hợp từng địa phương để các hộ thanh niên căn cứ lập kế hoạch xây dựng trang trại, phát triển kinh tế. Hiện nay, đang triển khai thực hiện cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại 8 xã, thị trấn với tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng đạt trên 25 tỉ đồng với 625 hộ vay. Nhiều thanh niên khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã sử dụng có hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Cùng với Bí thư Xã đoàn Tà Rụt Hồ Văn Phong, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của đoàn viên Hồ Văn Lâm thôn A Đăng, xã Tà Rụt. Trước đây, vùng đất hơn 7 ha này, gia đình anh Lâm trồng dứa, hiệu quả không cao mà công chăm sóc lại nhiều. Năm 2012, anh vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của đoàn thanh niên để chuyển sang trồng rừng tràm. Năm 2018, anh bán 3 ha rừng tràm được 120 triệu đồng, trả bớt nợ cho ngân hàng và đầu tư thêm để trồng tràm và chăn nuôi bò. Hiện tại, anh đang có 7 ha rừng tràm và 6 con bò. Theo anh Lâm thì việc trồng rừng không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp nông nghiệp và PTNT Quảng Trị năm 2009, tận dụng những kiến thức học được ở trường, khát vọng làm giàu trên đất quê hương, anh Hồ Văn Ngâu, thôn La Hót, xã A Bung đã bắt tay xây dựng mô hình kinh tế của mình. Với số vốn bố mẹ cho khi ra riêng, anh khai hoang đất, khoanh vùng để chăn nuôi lợn bản, gà và trồng sắn, ngô. Lấy ngắn nuôi dài, sau vụ sắn đầu tiên, anh đã dành dụm để mua 2 con bò. Đến nay, trang trại của anh có 5 ha rừng tràm, 12 con bò, 30 con dê, hàng chục con gà và ngan ngỗng. Mô hình kinh tế của Bí thư Xã đoàn Hồ Văn Ngâu không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn là nơi để thanh niên trong xã học tập, làm theo.

Sinh ra và lớn lên trên vùng chiến khu cách mạng Ba Lòng, quá trình khởi nghiệp của anh Nguyễn Đăng Khiêm, thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên là dựa vào đất đai, vận dụng vốn hiểu biết và kiến thức tích lũy được, cộng với quyết tâm cao của bản thân và sự động viên của gia đình, bạn bè. Từ nguồn vốn vay 200 triệu đồng, anh đã xây dựng một tổ hợp chăn nuôi khép kín gồm bò, lợn, ngan, vịt, trồng trọt thêm để phục vụ cho chăn nuôi. Nhờ chí thú làm ăn, đến nay anh có 28 con bò cái sinh sản, 8 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt. Anh Khiêm cho biết, một năm riêng lợn thịt xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa 50- 60 con, thu nhập thêm từ các loại cây, con khác, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu được gần 100 triệu đồng, số vốn vay cũng dần trả hết.

Nguồn vốn vay ưu đãi thật sự trở thành động lực, điều kiện quan trọng giúp cho quyết tâm lập nghiệp, làm giàu trên quê hương của thanh niên huyện Đakrông trở thành hiện thực, bước đầu tạo nên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, lập thân, lập nghiệp trong thanh niên toàn huyện. Trên địa bàn huyện Đakrông hiện có hàng chục mô hình làm kinh tế nổi bật do thanh niên làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm/mô hình. Đây là cơ sở quan trọng để nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tăng cường thu hút, đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức đoàn, hội vững mạnh. Đặc biệt, phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Minh Sáu - Lâm Phương - Văn Tiến

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150810