Lập nghiệp trên vùng cát quê hương

Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, cách đây 4 năm vợ chồng anh Hồ Văn Hòa ở thôn Đơn Quế, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng trở về quê và ra vùng cát để lập nghiệp bằng mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 Mô hình trang trại tổng hợp trên vùng cát của anh Hồ Văn Hòa mang lại nguồn thu nhập khá - Ảnh: HIẾU GIANG

Mô hình trang trại tổng hợp trên vùng cát của anh Hồ Văn Hòa mang lại nguồn thu nhập khá - Ảnh: HIẾU GIANG

Trong khu trang trại tổng hợp thoáng rộng ở vùng rú cát thôn Đơn Quế, anh Hòa đang chăm sóc những gốc thanh long ruột đỏ mới trồng. Anh cho biết, vợ chồng anh sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia đã tích lũy được ít vốn liếng và trở về quê hương làm ăn. Khác với nhiều người khác thường lựa chọn các mô hình kinh doanh thương mại - dịch vụ, vợ chồng anh Hòa quyết định xin mượn đất ở vùng cát của xã để thực hiện mô hình trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi.

Sau khi được địa phương tạo điều kiện cho mượn khoảng 1 ha đất, năm 2017 vợ chồng anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng cải tạo vườn tược để trồng trọt, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Sau khi kiến thiết cơ bản trang trại, thì thả nuôi lợn thịt, gà, ngan, ngỗng và trồng các loại cây như mãng cầu xiêm, thanh long ruột đỏ. Sau một thời gian cần cù, chịu khó, đến nay vợ chồng anh Hòa đã có thu nhập ổn định với mô hình trang trại tổng hợp, gồm khoảng 1.000 con gà, vịt, ngan, ngỗng, 10 lợn nái, 150 lợn thịt/lứa, khoảng 100 gốc thanh long ruột đỏ, 100 gốc mãng cầu xiêm, hơn 1 sào dưa hấu…

Đối với cây trồng, anh Hòa tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi để tưới bón; với gia cầm nuôi, anh thu mua thóc lúa cũng như tận dụng một số loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương để làm thức ăn. Từ chỗ phải thu mua các loại con giống để thả nuôi thì hiện nay vợ chồng anh đã chủ động được nguồn giống lợn, gà. “10 con lợn nái của mình cơ bản đáp ứng được nguồn giống nuôi của trang trại, so với thời điểm giá lợn giống quá cao như hiện tại thì việc chủ động được nguồn giống là điều rất đáng mừng. Còn gà thì mình vừa nuôi gà thịt vừa nuôi lấy trứng, vừa ấp con giống để nuôi. Cũng nhờ chủ động được nguồn giống và một số loại thức ăn chăn nuôi nên vợ chồng tôi tiết kiệm được chi phí nuôi và tăng lợi nhuận”, anh Hòa cho biết.

Bên cạnh chăn nuôi, các loại cây trồng như thanh long ruột đỏ và mãng cầu xiêm hiện đang phát triển khá tốt, hứa hẹn sẽ đạt năng suất, chất lượng cao vì trước khi trồng đại trà, anh Hòa đã trồng thử nghiệm đạt kết quả khá tốt. Anh Hòa cho biết, sau một thời gian nỗ lực, đến nay trang trại của vợ chồng anh đã dần ổn định. Mỗi năm, trừ các chi phí, mô hình trang trại tổng hợp của anh chị mang lại thu nhập từ 100-150 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Quế Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Mô hình trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Hồ Văn Hòa là một trong những mô hình khá nổi bật và hiệu quả trên vùng cát của xã. Từ những mô hình như thế này sẽ góp phần khuyến khích nhiều hộ khác mạnh dạn lên vùng cát khai thác thế mạnh, tích cực phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân đưa các giống cây, con phù hợp, có năng suất cao vào sản xuất. Bên cạnh đó khuyến khích người dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tái đàn lợn sau khi bị ảnh hưởng của dịch; hướng dẫn giúp hội viên, nông dân được hưởng những chính sách ưu đãi để xây dựng các mô hình kinh tế”.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156871&title=lap-nghiep-tren-vung-cat-que-huong