Lập sàn đấu giá xăng, dầu: minh bạch giá cả, ngăn lợi ích nhóm?
Sau hàng loạt lùm xùm của thị trường xăng, dầu kéo theo nhiều hệ lụy, gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần giải pháp quản lý phù hợp tình hình thực tiễn...
Nhiều chuyên gia, DN cho rằng, cùng với việc sớm ban hành nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng, dầu trước đó, Nhà nước nên thành lập sàn đấu giá xăng, dầu nhằm minh bạch giá cả, tránh lợi ích nhóm, độc quyền, tăng dự trữ đối với mặt hàng này.
Đủ điều kiện vận hành theo cơ chế thị trường
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80 /2023/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu.
Dự thảo nghị định mới gồm 4 nội dung chính là: hệ thống; giá bán xăng, dầu; quỹ bình ổn xăng, dầu và quyền của DN. Cụ thể, Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để DN tự quyết định giá.
Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định tại nghị định để công bố giá bán lẻ xăng, dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trên thị trường.
Giá bán xăng, dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định. Thương nhân hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh để xây dựng giá bán xăng, dầu trong hệ thống của thương nhân và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định.
Nhiều DN cho rằng, quy định về kinh doanh xăng, dầu cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay cũng như xu thế phát triển trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) Hoàng Trung Dũng chia sẻ, dự thảo nghị định cho đầu mối được mua từ nhiều nguồn nhưng lại chỉ cho thương nhân phân phối được mua từ các đầu mối.
Như vậy, DN sẽ khó cạnh tranh được khi chỉ được mua từ đầu mối; đặc biệt nếu tái diễn tình trạng như 2 năm (2022 - 2023) vừa qua, các thương nhân đầu mối không nhập khẩu, khiến cho nhiều DN gọi điện khắp nơi mà không có nguồn, dẫn đến đứt gãy nguồn cung.
Do đó, dự thảo nghị định sửa đổi cần có quy định cho phép thương nhân phân phối mua xăng của nhau cũng như mua trực tiếp từ các nhà máy lọc hóa dầu.
Ông Hoàng Trung Dũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương) cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng, dầu một cách công khai, minh bạch như sàn cà phê giúp thương nhân phân phối căn cứ vào giá chốt hàng.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu (Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam) Nguyễn Thị Bích Hường cho rằng, Việt Nam có đầy đủ các tiêu chí để vận hành thị trường xăng, dầu một cách hoàn chỉnh theo thị trường.
Vì Việt Nam có mỏ dầu, có nhà máy lọc dầu, có hệ thống phân phối do các DN trong nước đảm nhận. Việt Nam lại nằm trong tuyến hàng hải quốc tế rất thuận lợi trong vận chuyển xăng, dầu và có nguồn năng lượng tái tạo rất tiềm năng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, một số quy định trong dự thảo Nghị định mới được đưa ra như: việc cho phép đại lý bán lẻ được lấy hàng nhiều nguồn thay vì một nguồn hay điều chỉnh thời gian điều hành giá xăng, dầu… chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ của kinh doanh xăng, dầu.
Đó là phải làm sao bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, thị trường cạnh tranh, minh bạch, chống lợi ích nhóm, giá cả hợp lý và người dân được hưởng lợi.
Tăng cạnh tranh, xóa thế độc quyền
Điều mà người dân, DN mong mỏi là Ban soạn thảo nghị định mới nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ở mức cao nhất ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đối tượng chịu tác động; đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và DN.
TS Vũ Đình Ánh
Đưa ra giải pháp tháo gỡ bất cập về cơ chế giá trong kinh doanh xăng, dầu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Phạm Ngọc Hùng nhìn nhận: “Để giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất là lập sàn đấu giá xăng, dầu. Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được vì nguồn cung trong nước hiện nay từ hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được 70%”.
Theo ông Phạm Ngọc Hùng, nếu thành lập được sàn đấu giá xăng, dầu thì giải quyết được nhiều vấn đề như minh bạch được giá cơ sở do đấu giá xăng, dầu tổ chức công khai. Khi có sàn đấu giá, các DN muốn tham gia phải đáp ứng nhiều điều kiện, phải xây kho chứa, vận tải… phục vụ cho kinh doanh.
Như vậy, Nhà nước cũng gián tiếp tăng được lượng dự trữ xăng, dầu, bảo đảm an ninh năng lượng. Khi tham gia sàn đấu giá sẽ không có chuyện DN bắt tay nhau làm giá, thậm chí sẽ bộc lộ hết DN nào làm ăn dối trá, tự thị trường đào thải.
Theo TS Vũ Đình Ánh, nếu thành lập được sàn đấu giá xăng, dầu thì giải quyết được nhiều vấn đề. Thứ nhất, minh bạch được giá cơ sở do đấu giá xăng, dầu tổ chức công khai, nên DN nào lỗ, lãi người tiêu dùng biết ngay, tức là sẽ không còn tình trạng lỗ giả - lãi thật.
Thứ hai, khi có sàn giao dịch, không DN nào mua bán lòng vòng qua các công ty con để đẩy giá lên được, vì nếu mua bán lòng vòng chắc chắn không thể cạnh tranh.
Thứ ba, giảm được độc quyền. Hiện Việt Nam có 34 DN đầu mối xăng, dầu nhưng 6 DN lớn nhất chiếm 88% thị phần và đây đều là DN có vốn Nhà nước. Khi có sàn giao dịch, chắc chắn thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào thị trường xăng, dầu, nên mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên, người tiêu dùng và cả nền kinh tế được hưởng lợi.
Nhấn mạnh về những điểm bất cập của cách tính giá cơ sở, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) Nguyễn Đức Thành phân tích, các loại chi phí định mức trong giá cơ sở được tính bằng cách bình quân và dựa trên báo cáo của tất cả DN.
Từ đó xuất hiện các DN có mức chi phí cao hơn chi phí định mức, DN rút lui khỏi thị trường do giảm động lực kinh doanh. Bên cạnh đó có thể xuất hiện tình trạng gửi giá do giá cơ sở không sát thực tế.
Vị này ủng hộ việc để thị trường tự quyết định giá xăng, dầu, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện vai trò giám sát. Cùng với đó, cần thiết đồng hình thành sàn giao dịch cung cấp xăng, dầu để tính giá, thay vì theo mức giá thế giới để có giá xăng, dầu phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Thành cũng nhận định, mặc dù giá xăng, dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện kinh tế như: Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia… Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, thuế tăng, giá đầu vào tăng, khi giá xăng, dầu ở mức cao do chi phí cho xăng, dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất.
Nguồn xăng, dầu dự trữ của Việt Nam hiện nay rất thấp chỉ khoảng 30 ngày nên không bảo đảm an ninh năng lượng. Theo yêu cầu của Chính phủ, dự trữ xăng, dầu phải đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước ít nhất 60 - 90 ngày, sau đó có thể kéo dài thêm. Khi có sàn giao dịch, DN nào muốn tham gia đấu giá bắt buộc phải có kho dự trữ đủ lớn. Như vậy, các DN xăng, dầu đầu mối gián tiếp giúp Chính phủ dự trữ xăng, dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lap-san-dau-gia-xang-dau-minh-bach-gia-ca-ngan-loi-ich-nhom.html