Lập sàn giao dịch xăng dầu: Nên hay không?

Trước một số bất cập của thị trường xăng dầu trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Đâu là thế mạnh và điểm yếu khi chúng ta lập sàn giao dịch xăng dầu? Và mục tiêu khi lập sàn này là gì?

Tại Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia.

Tại Việt Nam, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia.

Tránh độc quyền xăng dầu

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, tại Việt Nam, việc giao dịch các sản phẩm như dầu thô, khí tự nhiên được Bộ Công Thương cho phép giao dịch thí điểm từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024.

"Quá trình giao dịch thí điểm diễn ra an toàn, ổn định, không phát sinh sự cố, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, là kênh cung cấp thông tin quan trọng đến các cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí. Tuy nhiên, việc này chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia giao dịch vì chính sách chưa ổn định"- ông Quỳnh nói.

Phải thừa nhận rằng, sàn giao dịch xăng dầu đối với nước ta còn mới. Chúng ta đã có sàn giao dịch ở một số lĩnh vực khác. Thực tế cho thấy, sau một thời gian, có sàn phát huy được hiệu quả, có sàn èo uột, không tồn tại được.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, “nếu chúng ta thành lập được sàn giao dịch xăng dầu thì rất tốt và cần thiết vì sàn giao dịch xăng dầu về mặt lý thuyết có nhiều lợi ích”.

Ông Long chỉ ra 5 lợi ích khi lập sàn giao dịch xăng dầu. Thứ nhất, tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Thứ hai, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.

Thứ ba, quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như là các giao dịch bằng các hợp đồng, hợp đồng phái sinh ngoài việc đầu tư thì việc quản lý rủi ro tốt. Thứ tư, thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch. Và lợi ích thứ năm, về mặt lý thuyết thì sẽ phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính hay ngân hàng, chứng khoán…

“Đối với Việt Nam nếu có sự giao dịch xăng dầu trên sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch. Cùng với đó sẽ giảm độc quyền”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc xây dựng sàn kinh doanh xăng dầu sẽ giúp đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, trước mắt sẽ góp phần làm giá xăng dầu ở mức thấp nhất so với giá thế giới. Cùng với đó là các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ có được vị thế tương đồng với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân kinh doanh.

"Bởi vì khi lên sàn thì một doanh nghiệp có thể mua của bất kì ai nếu giá hợp lý và như vậy vị thế của các bên sẽ thay đổi. Tiếp đó là sẽ làm cho hoạt động mua bán xăng dầu vừa rõ ràng công khai minh bạch cả về số lượng, giá cả lẫn chất lượng. Về phía Nhà nước, với việc kinh doanh xăng dầu như thế Nhà nước sẽ có số liệu tương đối đầy đủ để lập kho dữ liệu về xăng dầu, đồng thời có chỉ đạo can thiệp phù hợp với yêu cầu quản lý. Từ đó đảm bảo định hướng của nhà nước trong thị trường xăng dầu nhưng cũng đảm bảo cho thị trường kinh doanh xăng dầu diễn ra "thông đồng bén giọt" và đảm bảo an ninh năng lượng, tránh đứt gãy trong cung ứng", ông Thịnh phân tích.

Cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện

Mặc dù việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu có thể mang lại những tín hiệu mới, tích cực, song một số ý kiến cũng nhận định việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu không dễ dàng, vận hành sàn càng khó khăn.

Hiện thế giới chỉ có 2 sàn giao dịch xăng dầu thành công là Sàn giao dịch Chicago (Mỹ) cho thị trường dầu thô WTI và Sàn giao dịch London cho dầu thô Brent. Hai sàn này thành công là do tạo ra được một “sân chơi” đủ lớn, có khối lượng xăng dầu đủ lớn, có người mua, người bán… Ngay cả Trung Quốc - thị trường xăng dầu lớn thứ hai thế giới trước đây cũng đã muốn thành lập một sàn như vậy, nhưng không thành công.

Cần phải xem xét đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, không nên vội vàng thành lập sàn giao dịch xăng dầu, vì theo đại diện MXV, đối với một thị trường hàng hóa nói chung, việc thành lập sàn giao dịch tập trung cũng đã cần mất nhiều thời gian, công sức, cân nhắc kỹ lưỡng thì đối với mặt hàng xăng dầu, lại càng khó khăn hơn.

Bởi lẽ, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia. Để có thể xây dựng, vận hành sàn giao dịch xăng dầu tốt, hiệu quả, đáp ứng được đúng các mục tiêu, mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành liên quan.

Chuyên gia kinh thế Ngô Trí Long nêu ra một số thách thức khi lập sàn giao dịch xăng dầu. Trong đó, thách thức đầu tiên là chi phí ban đầu rất lớn. Thứ hai là công tác quản lý và giám sát. Thứ ba, khả năng tham gia của các đối tượng. Tất cả các doanh nghiệp đầu tư phải đảm bảo được đào tạo bài bản, được cung cấp thông tin đầy đủ để tham gia giao dịch. Đây là yêu cầu rất lớn về nỗ lực tham gia giáo dục và truyền thông.

Thứ tư là rủi ro về mặt thị trường. Thị trường xăng dầu rất nhạy cảm với sự biến động của giá cả. Thách thức thứ năm là khi xây dựng sàn giao dịch xăng dầu phải tương thích với các quy định của quốc tế. “Để chúng ta có thể xây dựng được sàn giao dịch xăng dầu theo tôi cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình, phương thức hoạt động kinh doanh cũng như phương thức vận hành”, ông Long nói, đồng thời nhấn mạnh, nếu thành lập sàn giao dịch xăng dầu thì phải tuân thủ theo quy định quốc tế chứ không thể “một mình một chợ”.

Trước mắt, nên cho phép giao dịch liên thông các mặt hàng năng lượng tại MXV như Bộ Công Thương đã từng cho MXV thí điểm niêm yết giao dịch từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2024, để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm giá xăng dầu và đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, xem xét để xem nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu như thế nào cho phù hợp với thực tiễn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cơ chế ảnh hưởng lớn nhất là Nhà nước vẫn đang điều hành giá xăng dầu. Chừng nào Nhà nước còn điều hành giá xăng dầu thì việc giao dịch trên sàn sẽ khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo bày tỏ băn khoăn về ý định xây dựng sàn giao dịch xăng dầu để làm gì. “Nếu xây dựng các sàn như sàn giao dịch ở Singapore, sàn giao dịch ở New York (Mỹ), sàn giao dịch ở EU thì rõ ràng đây là các sàn giao dịch yêu cầu tính liên thông rất cao độ, cũng không khác gì sàn giao dịch vàng bạc.

Các sản phẩm ở đó đều phải liên thông, chứ chúng ta không thể xây dựng sàn và có chỉ số giá riêng của xăng dầu được. Trong khi đó, chúng ta chưa liên thông được bởi trong cơ cấu giá hình thành giá xăng dầu bán ra còn có vấn đề về thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trị giá gia tăng, quỹ bình ổn, chi phí định mức…”, ông Bảo nói đồng thời cho rằng, chúng ta có sự khác biệt rất lớn nên nếu chúng ta tạo dựng một sàn để các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, để tạo ra một sàn đấu thầu thì đúng hơn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng: “Nếu đặt mục tiêu thành lập một sàn giao dịch xăng dầu như quốc tế thì chắc chắn ở Việt Nam chưa thể làm được. Còn nếu hình thành một mô hình sàn giao dịch như là nơi để các doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ, phân phối xăng dầu cùng giao dịch thì đó là mô hình trung tâm mua bán xăng dầu mang tính vật chất, sẽ khác với mô hình sàn giao dịch hàng hóa”.

Xác định mô hình sàn giao dịch
Bàn luận về việc sàn giao dịch xăng dầu sẽ vận hành ra sao, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là muốn có một sàn giao dịch xăng dầu theo mô hình của các sàn thương mại điện tử hiện nay. Tại đó, các doanh nghiệp đầu mối công khai giá để các doanh nghiệp phân phối bán lẻ có thể mua. Mọi thứ đều công khai minh bạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình như vậy không phải là mô hình Sàn giao dịch theo thông lệ quốc tế.
TS Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho rằng, về sàn giao dịch xăng dầu, cần nhìn nhận theo 2 góc độ: Thứ nhất, ai tham gia sàn đó? Thứ hai, sàn đó giao dịch những gì?
"Điểm chung của mấy sàn tôi cho là hoạt động hiệu quả như cà phê, cao su, bất động sản đó là những mặt hàng chúng ta sản xuất rất nhiều ở Việt Nam và thậm chí xuất khẩu, chúng ta chi phối khá nhiều thị trường quốc tế. Đối với những mặt hàng như cà phê, cao su… cơ hội thành công của sàn là có thể nhìn thấy. Còn sàn xăng dầu, tôi hình dung nếu có thành lập chỉ là thực hiện giao dịch xăng dầu về vật chất, tôi không nghĩ các sản phẩm phái sinh giao dịch trên sàn xăng dầu. Bởi vì trên thế giới phái sinh xăng dầu chủ yếu trên thị trường tài chính, không giao dịch trên thị trường hàng hóa vật chất.
Nếu nói về xăng dầu vật chất chúng ta có 2 loại: Dầu thô chúng ta tham gia giao dịch quốc tế; còn dầu thành phẩm, nếu sản xuất ở Việt Nam chỉ có ở Dung Quất và Nghi Sơn, còn lại xăng dầu khác chúng ta nhập khẩu của mấy chục doanh nghiệp đầu mối.
Vậy với thị trường nhà sản xuất của Việt Nam chỉ có 2, còn lại nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở nước ngoài thì có đủ để sàn hoạt động hay không?" - TS Lương Hoài Nam nói.

NGỌC LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lap-san-giao-dich-xang-dau-nen-hay-khong-10287232.html