Lập Thạch đẩy mạnh phát triển chăn nuôi vùng trọng điểm

Để chăn nuôi phát triển bền vững, trở thành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, huyện Lập Thạch đã làm tốt công tác định hướng, áp dụng nhiều chính sách phát triển chăn nuôi mang tính đột phá. Trong đó, phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi ngoài khu dân cư là một trong những minh chứng rõ nét nhất, đã và đang tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy tại xã Thái Hòa mở ra hướng đi mới cho nhiều gia đình, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương phát triển. Ảnh: Đức Chung

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy tại xã Thái Hòa mở ra hướng đi mới cho nhiều gia đình, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương phát triển. Ảnh: Đức Chung

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, huyện Lập Thạch đã khuyến khích người dân chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm, quy mô lớn, xa khu dân cư, nhằm kiểm soát dịch bệnh và tạo nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Không chỉ làm tốt công tác định hướng, tuyên truyền để người chăn nuôi thấy được lợi ích của việc chăn nuôi theo vùng, xa khu dân cư, huyện còn tích cực huy động, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện đến các hộ chăn nuôi có nhu cầu.

Đặc biệt, huyện đã quy hoạch, xây dựng nhiều khu chăn nuôi tập trung ở các xã Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Tử Du, Bàn Giản, Vân Trục, Liên Hòa, thị trấn Lập Thạch…

Đã hình thành một số vùng, xã chăn nuôi trọng điểm cho hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi bò sữa ở xã Thái Hòa, Liên Hòa; chăn nuôi gà ở xã Bàn Giản, Đồng Ích, Xuân Hòa; chăn nuôi lợn ở xã Quang Sơn, Bắc Bình, Hợp Lý, Ngọc Mỹ; nuôi cá lồng tại sông Phó Đáy xã Thái Hòa, tại đập Đồng Mồ xã Liễn Sơn…

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, huyện Lập Thạch luôn đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu. Công tác tuyên tuyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh được chú trọng quan tâm đúng mức.

Thực hiện quản lý chặt chất lượng con giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ…

Bên cạnh đó, khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chăn nuôi… giảm thiểu tác động xấu tới môi trường.

Nhờ những nỗ lực trên, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện Lập Thạch những năm gần đây đã tăng dần về số lượng và quy mô đàn.

Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 1.769.000 con, trong đó gia súc 126.000 con, gia cầm 1.643.000 con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2021 ước đạt hơn 707 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với cùng kỳ và chiếm hơn 60% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch khẳng định: Phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư là hướng đi đúng, đã và đang tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và giảm ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm trên địa bàn còn gặp một số khó khăn do công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng chăn nuôi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Một số trang trại chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy định, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường... Hơn nữa, việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, đây cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa yên tâm đầu tư chăn nuôi quy mô lớn.

Để chăn nuôi phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao, huyện Lập Thạch đang tiếp tục quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm, xây dựng các khu chăn nuôi xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Hướng người chăn nuôi tập trung phát triển 3 loại vật nuôi có thế mạnh lớn là lợn, bò và gia cầm.

Đồng thời, tích cực hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh và vận động nhân dân đầu tư xây dựng chuồng trại, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Hải Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76949/lap-thach-day-manh-phat-trien-chan-nuoi-vung-trong-diem.html