Nỗi lòng thầu phụ

Cuối 2023, một nhà thầu phụ với hơn 100 công nhân đảm nhiệm một phần cho gói thầu xây dựng công trình cho một doanh nghiệp logistics tại tỉnh Thái Bình phải tạm ngừng sau hai tuần làm việc do công nhân đình công. Lý do của việc đình công là nhà thầu chính của dự án lỗi hẹn không thanh toán tiền cho nhà thầu phụ như đã cam kết. Còn nhà thầu phụ không thể gồng gánh được phần lương thưởng cho lực lượng công nhân trực tiếp xây dựng công trình.

Thị trường xây dựng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà thầu xây dựng, nhất là trong những năm gần đây khi tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh: H.P

Thị trường xây dựng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà thầu xây dựng, nhất là trong những năm gần đây khi tình hình kinh tế khó khăn. Ảnh: H.P

Đây không phải là chuyện hiếm thấy liên quan đến ngành xây dựng trong nước kể từ sau đại dịch Covid-19. Bởi có không ít trường hợp công nhân đình công kêu cứu khi bị nợ lương, các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu thiết bị gửi đơn kiến nghị, thậm chí kiện cáo mong thu hồi công nợ.

Thật ra, cách nhà thầu chính lựa nhà thầu phụ trong lĩnh vực xây dựng trong nước rất đặc biệt – dựa trên mối thâm giao nhưng không bỏ qua phần giá thầu. Nhà thầu phụ được lựa chọn thực hiện công trình chủ yếu dựa trên mối quan hệ lâu năm hiểu biết lẫn nhau giữa nhà thầu chính và mạng lưới thầu phụ tin cậy. Nhiều nhà thầu phụ thậm chí có tên sẵn trong hồ sơ tranh thầu của nhà thầu chính. Vì đặc điểm liên kết phần nhiều dựa trên mối quan hệ và sự quen thuộc này, nhà thầu chính có lợi thế hơn trong việc lựa chọn và đàm phán hợp đồng với nhà thầu phụ.

Thị trường xây dựng chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nhà thầu xây dựng, nhất là trong những năm gần đây khi tình hình kinh tế khó khăn. Các nhà thầu chính cạnh tranh với đối thủ để có hợp đồng nên phải cố gắng đưa ra những giải pháp tối ưu về giá để có được hợp đồng nào đó. Và tới lượt mình những nhà thầu phụ và các đội nhóm lao động phải bấm bụng san sẻ “phần hạ giá để có hợp đồng” của nhà thầu chính – một cái giá đôi khi quá đắt đỏ cho nhóm yếu thế.

Một cai thợ hơn 30 năm trong nghề ở tỉnh Thái Bình nói rằng, trong số các nhà thầu phụ, nhóm nhà thầu phụ cung cấp nhân công là nhóm yếu thế hơn cả. Bởi lực lượng lao động lớn, nguồn cung dồi dào, dễ gia nhập thị trường, các nhà thầu phụ này không có nhiều lợi thế khi đàm phán và dễ tổn thương nếu có biến động thị trường.

Kinh tế khó khăn cùng với môi trường hợp tác chưa thực sự công bằng, các nhà thầu phụ bị áp đặt trách nhiệm và cũng chịu trận nếu bị nhà thầu chính trễ hạn thanh toán hoặc chây ỳ không chịu thanh toán, gây ra một chuỗi hệ lụy đau lòng. Những người thợ xây – đôi bàn tay gầy guộc làm lên những công trình và nhà máy sản xuất, đôi khi phải làm việc trong những điều kiện thiếu an toàn và nguy hiểm đến tính mạng. Họ phải ngồi chờ trong tuyệt vọng và lo lắng cho những khoản thanh toán mà trong một số trường hợp không biết bao giờ mới đến. Ở đây, không chỉ là vấn đề tiền bạc.

Đó là vấn đề trách nhiệm đối với người lao động và trách nhiệm đối với nhà cung cấp trong trường hợp này là với các nhà thầu phụ (labor right và responsible sourcing) về sự tôn trọng và tương trợ lẫn nhau trong một ngành công nghiệp mà mỗi cá nhân đều đóng góp một phần quan trọng.

Thực tế, trong hơn hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành và khi tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản từ cuối năm 2022, bản thân các nhà thầu chính đã rất điêu đứng khi chủ đầu tư không đủ năng lực thanh toán theo dự kiến. Cả một chuỗi giá trị ngành bị chịu tác động. Ở cuối của chuỗi giá trị này chính là người lao động trực tiếp xây dựng lên công trình.

Trái tim của ngành xây dựng không chỉ là bê tông, xi măng, sắt thép hay sự hào nhoáng của nội thất công trình… mà còn là những nhịp đập của người lao động, là mồ hôi, nước mắt hàng vạn công nhân ngày đêm miệt mài vun đắp. Đằng sau mỗi người thợ còn là cuộc sống, ước mơ và tương lai của cả một gia đình họ. Nhưng trong cái nôi của sự phát triển ấy, có những nỗi đau và bất công đang bị lãng quên…

Xây dựng một môi trường lành mạnh cho toàn ngành xây dựng là điều cần làm – nơi những nhà thầu phụ và người lao động yếu thế hơn trong cuộc thương lượng được đảm bảo công bằng, thanh toán đúng hạn và an toàn lao động. Một trong những cách có thể thực hiện tại nguồn đó chính là các lãnh đạo dự án chung tay lựa chọn các nhà thầu chính có cam kết mạnh mẽ về ESG, bên cạnh các tiêu chí về hệ giá trị, công nghệ, bí quyết kinh doanh…

(*) Chủ nhiệm CLB Kiến tạo Thương hiệu thuộc Saigon Times Club.

Võ Minh Nhựt(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/noi-long-thau-phu/