Lập Thạch: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội
Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, được cán bộ và nhân dân tham gia hưởng ứng...
Thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào xây dựng thôn, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa... cấp ủy, chính quyền huyện Lập Thạch đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện.
Việc thực hiện được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể.
Mỗi cán bộ đảng viên tiên phong thực hiện, nêu gương sáng để nhân dân noi theo. Huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền lồng ghép các tiêu chí xây dựng thôn, TDP văn hóa, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; tổ chức xét, công nhận gia đình văn hóa theo từng năm, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm về xây dựng môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, cảnh quan xanh, sạch, đẹp; xây dựng, phát hiện các mô hình, nhân tố mới, chuẩn mực mới, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, phê phán những biểu hiện tiêu cực, tạo dư luận đồng tình ủng hộ...
Từ những động thái tích cực kể trên, trong 20 năm qua (giai đoạn 2000 - 2020), trên địa bàn huyện đã diễn ra trên 25.400 đám cưới và hơn 12.100 đám tang tại các khu dân cư được các gia đình chấp hành nghiêm theo quy ước, hương ước của thôn, TDP, quy định của địa phương.
Đặc biệt, trong tổ chức đám cưới, trước khi tổ chức lễ cưới đều đăng ký kết hôn tại UBND xã; tiệc cưới được các gia đình tổ chức đơn giản, không phô trương, không làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần, tình trạng tiếp khách bằng thuốc lá, rượu bia giảm hẳn.
Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi dự lễ cưới trong giờ làm việc hầu như không còn. Việc tổ chức đưa đón dâu đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về ATGT và trật tự công cộng. Những hủ tục thách cưới, đón dâu hai lần, tảo hôn được xóa bỏ...
Trong việc tang đã loại bỏ triệt để những hủ tục như, gọi hồn, bắt vía; không còn tình trạng tổ chức ăn uống linh đình, mở trống kèn quá giờ quy định. Tỷ lễ đám tang tham gia hỏa táng ngày một tăng. Các nghĩa trang xây dựng theo đúng quy hoạch, cách xa khu dân cư, khu hung táng và cát táng riêng biệt, bảo đảm tiện lợi cho việc chôn cất, bảo vệ môi trường.
Lập Thạch là mảnh đất mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và quý giá với nhiều lễ hội trong năm. Hàng năm huyện đều tăng cường công tác chỉ đạo quản lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động lễ hội theo đúng Quy chế của Bộ VH,TT&DL, của UBND tỉnh và được đánh giá là một địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị 27.
Các lễ hội được tổ chức trang trọng, văn minh, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản lễ hội, đến nay có 29 kịch bản lễ hội của các xã, thị trấn được UBND huyện phê duyệt.
Nhờ người dân nhận thức đúng và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đời sống văn hóa tại các khu dân cư được nâng lên. Đến nay, toàn huyện có có 87,7% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 88.88% thôn, TDP văn hóa, 98,2% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Lập Thạch đã đi sâu vào cuộc sống. Góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng văn hóa cơ sở; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong thời gian tới, huyện Lập Thạch tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân… góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.