Lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Sáng nay 8/8, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, cộng đồng DN và người dân đang ở thời điểm hết sức khó khăn, đối mặt với diễn biến phức tạp của COVID-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần 4. Nguồn lực dữ trữ cạn dần, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước”.
Thông qua các kênh trao đổi thông tin trực tiếp và gián tiếp với cộng động DN, Bộ KH&ĐT đã nhận diện và tổng hợp 8 nhóm vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối diện. Trước hết, tổng cầu giảm mạnh khiến đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm. Trung bình, nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là hàng không, vận chuyển hành khách, du lịch, nhà hàng, khách sạn nhu cầu giảm 70-80%.
Theo đó, doanh thu giảm mạnh trên diện rộng. Ngành du lịch không phát sinh doanh thu, nhà hàng, khách sạn ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt từ tháng 4/2021 trở lại đây. Doanh thu ngành hàng không sụt giảm trung bình 61% so với 2019, đợt dịch cao điểm đầu năm 2021 giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, chi phí đầu vào, vận chuyển lại ngày một tăng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Container rỗng thiếu trầm trọng, đẩy giá thuê tăng 5-10 lần, kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 2-4 lần, có thời điểm lên đến 5 lần so với trước dịch. DN “oằn mình “ chịu nhiều khoản chi phí mới phát sinh, liên quan xét nghiệm, đầu tư trang thiết bị để đáp ứng các điều kiện về kiểm soát an toàn dịch bệnh tại DN, hỗ trợ giữ chân người lao động.
Việc lưu thông hàng hóa trong nước cũng gặp khó vì sách phòng, chống dịch bệnh của các địa phương chưa thống nhất, hợp lý. DN bị chậm tiến độ giao hàng/nhập hàng, chi phí lưu kho, lưu bãi, cước vận chuyển tăng, sản xuất kinh doanh ngưng trệ.
Theo Bộ KH&ĐT, cũng vì dịch bệnh, DN sản xuất, xuất khẩu đối mặt nguy cơ phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Để cầm cự trước dịch bệnh. nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, họ lo khó tuyển dụng lao động có tay nghề. Với DN FDI, vấn đề nhập cảnh cho chuyên gia tiếp tục là trở ngại.
Cuối cùng các DN cho biết việc triển khai của một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước khá chặt chẽ, cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống phát sinh trong thực tế, công tác thực thi có lúc, có nơi còn chưa chủ động, linh hoạt.
Đặc biệt chú ý tới DN nhỏ và vừa
Trước những khó khăn nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một số quan điểm hỗ trợ DN trong thời gian tới, trên tinh thần ưu tiên mọi nguồn lực để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện cho DN ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển.
Về nhóm chính sách, giải pháp cấp thiết, các biện pháp, phòng chống dịch COVID-19 cần thực hiện linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.
Đối với nhóm giải pháp dài hạn, cần xây dựng chính sách phát triển có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế. Trong việc nâng cao hiệu quả triển khai chính sách hỗ trợ DN, phải đặc biệt chú ý tới DN nhỏ và vừa; rà soát, tháo gỡ vướng mắc pháp lý; đơn giản hóa tối đa các quy trình, thủ tục hành chính hiện tại, xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên. Ngoài ra tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực DN nhà nước.
“Sức chống chịu của khu vực DN tiếp tục suy giảm. Số DN thành lập mới trong tháng 7 giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020; đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số DN rút lui khỏi thị trường tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020, riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm 29,1% tổng số DN rút lui của các nước; và đã xuất hiện nhiều hơn những DN quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.