Lập trường kiên nhẫn của Fed giúp S&P 500 tăng điểm
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ gần như không thay đổi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 nhích lên...
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ gần như không thay đổi trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số S&P 500 nhích lên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất cho thấy ngân hàng trung ương này giữ nguyên lập trường kiên nhẫn trước khi nâng lãi suất trở lại.
Thị trường lình xình trong biên độ hẹp trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau khi Fed công bố biên bản họp, S&P 500 đã lập đỉnh của phiên. Biên bản cho thấy các quan chức của Fed nói sẽ phải mất "một thời gian nữa" thì nền kinh tế Mỹ mới có thêm bước tiến tới mục tiêu tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả.
Diễn biến tăng này của S&P 500 không lớn và không kéo dài. Một lý do là nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu Fed có thực sự trì hoãn lâu trước khi bắt đầu một chu kỳ tăng lãi suất mới.
"Chúng tôi cứ nghĩ là sẽ có một nội dung gì đó mới từ biên bản cuộc họp của Fed, nhưng chúng tôi đã lầm", chiến lược gia Art Hogan thuộc National Securities phát biểu. "Năm nay, Fed đã rõ ràng hơn về lập trường của mình và họ thực sự không suy suyển".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vào cuối phiên,nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh 14 tháng là 1,776% thiết lập hồi cuối tháng 3. Việc lợi suất giảm nhiệt gần đây đã giúp các cổ phiếu tăng trưởng - đặc biệt là cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông - khởi sắc. Trong quý 1, những cổ phiếu này bị bán tháo dưới sức ép của lợi suất leo thang.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,05%, đạt 33.446,26 điểm; S&P 500 tăng 0,15%, đạt 4.079,95 điểm; Nasdaq giảm 0,07%, còn 13.688,84 điểm.
Năm nay, nhờ triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ sáng lên, các nhóm cổ phiếu chu kỳ như vật liệu cơ bản và công nghiệp giữ vai trò dẫn đầu sự đi lên của chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, gần đây, giới đầu tư ở Phố Wall bắt đầu mua trở lại cổ phiếu công nghệ, một phần do lợi suất trái phiếu chững lại,một phần do làn sóng Covid-19 mới ở Canada và nhiều nước châu Âu. Việc nhiều nước phải phong tỏa trở lại để chống dịch khiến thị trường đặt câu hỏi liệu xu hướng tăng của cổ phiếu giá trị có bền vững.
Phiên này, cổ phiếu tăng trưởng tăng 0,28%, trong khi cổ phiếu giá trị giảm 0,16%.
Nhân tố thúc đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ trong thời gian tới có thể là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2020 và kế hoạch đầu tư hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đề xuất.
Giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Refinitiv. Tuy nhiên, kỳ vọng quá cao cũng đặt ra nguy cơ thị trường bị thất vọng khi kết quả thực tế không như ý.
Trong một thông tin khả quan, Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase nhận định kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng bùng nổ cho tới hết năm 2023 nếu tiêm chủng ngừa Covid-19 tiếp tục mở rộng và chính phủ liên bang tiếp tục chi tiêu mạnh tay.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,38 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,22 lần. Toàn thị trường có 9,41 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 12,16 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.