Lập trường xung đột của Mỹ-Trung Quốc trong đàm phán thương mại

Trong hai ngày 19 và 20-9, các quan chức cấp cao Mỹ-Trung tiến hành cuộc thảo luận dàn xếp các bất đồng thương mại gữa hai nước, tuy nhiên hai bên khó có thể xích lại gần nhau nếu không chấp thuận các nhượng bộ lớn.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy bỏ sáng kiến Made in China 2025, vốn bị Mỹ chỉ trích là một chính sách bảo hộ, ưu ái các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) muốn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy bỏ sáng kiến Made in China 2025, vốn bị Mỹ chỉ trích là một chính sách bảo hộ, ưu ái các công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Mỹ và Trung Quốc có một loạt vấn đề cần phải giải quyết, từ mức thuế đánh vào các sản phẩm cụ thể của mỗi bên cho đến các vấn đề gây chia rẽ sâu sắc hơn như đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và trợ cấp của nhà nước Trung Quốc dành cho ngành công nghệ cao trong nước.

Phái đoàn thương mại Trung Quốc bao gồm khoảng 30 quan chức do Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân dẫn đầu, đã gặp các quan chức của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vào hôm 19-9 tại Washington. Hai bên dự kiến tập trung đàm phán về các vấn đề nông nghiệp với mục đích đạt được một thỏa thuận hẹp mà Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc có thể ký vào tháng 10 tới.

Bầu không khí trước thềm các cuộc thảo luận ở Washington khá căng thẳng. Hôm 19-9, ông Michael Pillsbury, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Trung Quốc ở Viện Hudson đồng thời là cố vấn của Tổng thống Donald Trump, cảnh báo ông Trump có thể tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc đến mức 50 hoặc 100% nếu nước này không nỗ lực đạt thỏa thuận thương mại sớm với Mỹ.

Trong khi đó, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) nói rằng Trung Quốc không sốt sắng đạt được thỏa thuận thương mại như phía Mỹ lầm tưởng.

Trong những tháng gần đây, Washington cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ cam kết đưa ra các cải cách kinh tế vào luật theo yêu cầu của Mỹ, trong khi Bắc Kinh gọi các đòn thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump “tàn bạo”.

Dưới đây là lập trường xung đột của Mỹ và Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp giữa hai nước.

Thuế

Kể từ năm ngoái đến nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế với gần như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với niềm tin rằng “cây gậy” thuế sẽ mang lại cho các quan chức Nhà Trắng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.

Trung Quốc cũng áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ nhưng ở mức hạn chế hơn vì hàng hóa Mỹ bán sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với chiều ngược lại.

Hiện nay, các quan chức Trung Quốc muốn Mỹ phải hủy bỏ các biện pháp áp thuế đối với hàng hóa nước này trong hơn một năm qua trước khi đồng ý ký với Mỹ bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện nào. Cả hai bên đã đưa ra một số nhượng bộ về thuế trước cuộc đàm phán trong tuần này.

Trung Quốc thông báo miễn áp thuế trả đũa đối với hàng chục mặt hàng của Mỹ, trong khi đó, Tổng thống Trump lùi thời điểm tăng thuế từ 25 lên 30% đối với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc từ 1-10 sang 15-10.

Huawei

Bắc Kinh đang đau đầu tìm cách thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với hãng Huawei (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Lệnh cấm vận này khiến các công ty Mỹ không được phép bán hàng cho Huawei đồng thời khiến nhiều nhà cung ứng ở nước ngoài cắt đứt quan hệ kinh doanh với Huawei vì sợ liên lụy.

Dù hai nước có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, Trung Quốc vẫn muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này. Trong khi đó, Washington đang vận động các nước khác lánh xa Huawei trong các nỗ lực xây dựng mạng 5G vì cho rằng các thiết bị viễn thông của Huawei không an toàn về mặt an ninh.

Để đáp trả, Trung Quốc đang soạn thảo một danh sách đen của các công ty nước ngoài gây thiệt hại cho các công ty Trung Quốc vì những lý do phi thương mại. Trung Quốc cũng cảnh báo ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Đất hiếm tập hợp các khoáng sản quan trọng đối với các nhà sản xuất hàng tiêu dùng công nghệ cao và Trung Quốc là nhà cung cấp kiểm soát phần lớn nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu. Nước này cũng có thể hủy các đơn hàng mua máy bay của Boeing, công ty xuất khẩu số một của Mỹ.

Tài sản sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ

Trước khi các đàm phán Mỹ-Trung đổ vỡ hồi đầu tháng 5, các quan chức Mỹ cho biết hai bên đã đạt được tiến triển đàm phán về việc Bắc Kinh tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài. Hồi tháng 4, Trung Quốc cũng đã sửa đổi Luật về Thương hiệu để tăng các mức bồi thường đối với hành vi vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc cũng ghi nhận cưỡng ép chuyển giao công nghệ là một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết các công ty Mỹ thường phàn nàn rằng họ bị ép buộc phải giao các bí mật kinh doanh cho các đối tác bản địa như một điều kiện để làm ăn tại nước này.

Trung Quốc đã thông qua luật đầu tư nước ngoài mới dự kiến có hiệu lực vào năm 2020, trong đó cấm các cơ quan hành chính trong nước ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nói rằng nỗ lực đó vẫn chưa đủ vì trước đây Trung Quốc đã nhiều lần cam kết thay đổi nhưng không thực hiện chúng.

Sáng kiến Made in China 2025

Thông qua sáng kiến Made in China 2025, Trung Quốc quyết tâm nâng cấp nền tảng sản xuất trong 10 lĩnh vực chiến lược vào năm 2025, bao gồm hàng không vũ trụ, robot, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và các loại xe năng lượng mới...

Sáng kiến Made in China 2025 cung cấp chương trình trợ cấp của nhà nước để hỗ trợ các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc chinh phục thị trường thế giới. Với sáng kiến này, Trung Quốc đặt mục tiêu tự sản xuất 70% linh kiện công nghệ và vật liệu quan trọng vào năm 2025.

Tuy nhiên, Mỹ lo ngại sáng kiến Made in China 2025 sẽ tạo ra những lợi thế bất công cho các công ty Trung Quốc và về lâu dài sẽ đe dọa vị thế dẫn đầu toàn cầu về công nghệ của Mỹ. Các quan chức Mỹ lập luận rằng các công ty Mỹ, vốn vận hành theo cơ chế thị trường, sẽ khó cạnh tranh với các công ty đối thủ ở Trung Quốc đang được sự hỗ trợ hào phóng của nhà nước. Do vậy, Mỹ muốn Trung Quốc phải hủy bỏ hoặc thay đổi sáng kiến này.

Trong khi đó, Trung Quốc xem các nỗ lực của Mỹ ép Bắc Kinh từ bỏ sáng kiến Made in China 2025 là một phần của cuộc vận động rộng lớn nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do vậy, giới phân tích cho rằng rất ít khả năng Trung Quốc chấp nhận từ bỏ hoàn toàn sáng kiến quan trọng này.

Song gần đây, Trung Quốc hạn chế nhắc đến nó nhưng lại giới thiệu khái niệm “trung lập cạnh tranh” (competitive neutrality) nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các công ty nhà nước, công ty tư nhân và công ty nước ngoài.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy nguyên tắc “trung lập cạnh tranh” và xem nó như là một phần trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ. Theo nguyên tắc này, các chính phủ bị cấm ưu ái các công ty nhà nước, gây bất lợi cho các công ty tư nhân.

Theo Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/294342/lap-truong-xung-dot-cua-my-trung-quoc-trong-dam-phan-thuong-mai.html