Larry Ellison: Từ kẻ tay trắng, học hành dở dang vì nghèo đến 'bố già' làng công nghệ thế giới

Từ nghèo khó, tỷ phú Larry Ellison chinh phục cả thế giới công nghệ không chỉ bởi tài năng mà còn cả sự nỗ lực và quyết đoán.

Larry Ellison đã quá nổi tiếng. Tài năng của Ellison được rất nhiều người ngưỡng mộ. Ông là người đưa Oracle trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm với doanh thu 38 tỷ USD và là CEO tại vị lâu nhất ở Thung lũng Silicon. Để có được thành công và danh tiếng như hôm nay, ông đã trải qua biết bao khó khăn trong quá trình gây dựng sự nghiệp.

Larry Ellison sinh năm 1944 ở thành phố New York, con của một phụ nữ Do Thái, cha là một phi công người Mỹ gốc Ý. Mẹ của Ellison sinh ra ông năm 19 tuổi và sống đơn thân. Ellison mắc bệnh viêm phổi khi mới 9 tháng tuổi. Người mẹ ruột nhỏ tuổi khi đó trao con trai đến Chicago để sống cùng chú và dì, Lillian và Louis Ellison, hai người sau này trở thành cha mẹ nuôi của ông.

Thuở đi học, Ellison là một học sinh thông minh nhưng hay lơ đễnh. Ông rời Đại học Illinois (Urbana) sau năm thứ hai mà không tham gia kỳ thi vì khi đó mẹ nuôi qua đời. Bỏ học đại học, Ellison làm những công việc tạm thời trong 8 năm sau đó. Ông thử sức lại tại Đại học Chicago ngành thiết kế máy tính nhưng chỉ được một kỳ vì chẳng đủ tiền theo đuổi. Năm 1966, ở tuổi 22, Ellison chuyển đến miền bắc California.

Trong 8 năm sau đó, ông làm việc cho nhiều công ty ngành internet, từ nhân viên kỹ thuật cho công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo đến lập trình viên cho nhà sản xuất máy tính Amdahl. Thời điểm làm cho Amdahl, Larry là thành viên nhóm xây dựng cơ sở dữ liệu IBM System R.

Nhớ lại quá khứ, tỷ phú Ellison chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ tham gia một lớp khoa học máy tính nào trong đời. Tôi đã kiếm được công việc là một lập trình viên. Tôi chủ yếu tự học. Tôi chỉ cầm một cuốn sách và bắt đầu lập trình".

Khi Ellison nhận được một công việc lập trình tại Ampex Corporation, một trong những trách nhiệm của ông tại công ty là xây dựng cơ sở dữ liệu cho CIA.

Năm 1977, ông thành lập Phòng thí nghiệm Phát triển Phần mềm (Software Development Laboratories SDL) cùng hai cộng sự và 2.000 USD. Đây là một bước đi quan trọng bởi năm 1982, công ty đổi tên thành Oracle sau khi tung sản phẩm chủ chốt - Oracle Database. Công ty phát triển nhanh chóng suốt những năm 1980 và đạt doanh thu hàng chục tỷ đô la mỗi năm.

Năm 1987, Oracle trở thành công ty quản lý cơ sở dữ liệu lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1990, một cuộc kiểm toán nội bộ được tiến hành sau vụ kiện của một cổ đông cho thấy Oracle đã phóng đại thu nhập của mình và cổ phiếu của công ty đã sụt giảm nghiêm trọng. Ellison bắt tay vào tái cấu trúc lại bộ máy quản lý của Oracle và đến cuối năm 1992, công ty vực dậy.

Vào giữa những năm 1990, Ellison đã nhìn thấy cơ hội cạnh tranh với Tập đoàn Microsoft bằng cách phát triển một giải pháp thay thế giá rẻ cho máy tính cá nhân để bàn (PC) được gọi là Máy tính mạng (NC). NC không được trang bị đầy đủ như một PC tiêu chuẩn và dựa vào các máy chủ máy tính để cung cấp dữ liệu và phần mềm trong phiên bản ban đầu của cái mà sau này được gọi là điện toán đám mây.

Tuy nhiên, việc giá PC liên tục giảm và sự chậm trễ trong quá trình phát triển của NC đồng nghĩa là PC chạy hệ điều hành Microsoft Windows tiếp tục thống trị máy tính để bàn của người dùng doanh nghiệp. Ellison sau đó thừa nhận NC quá non về mặt công nghệ.

Một khó khăn khác sau đó ập tới. Năm 1990, Oracle đứng trước cuộc khủng hoảng, buộc phải sa thải hơn 10% nhân sự là khoảng 400 người do quyết định mà Ellison mô tả là “sai lầm kinh doanh đáng kinh ngạc”.

Oracle cho phép nhân viên tự đặt ra doanh số trong kỳ bán hàng tiếp theo vào kỳ hiện tại, gây ra ghi nhận doanh thu ảo sai lệch trầm trọng. Sai lầm dẫn tới hàng loạt vụ kiện kế toán và rắc rối pháp lý với cơ quan quản lý, khiến vốn hóa Oracle bay hơi 80%, thị phần bị đối thủ cắt xé, đẩy công ty đến bờ vực phá sản.

Nhưng cuộc sống thuở thiếu thời khó khăn đã tôi luyện cho Larry Ellison sự bền bỉ và nghị lực trước mỗi khó khăn. Cùng bản lĩnh của một lãnh đạo giỏi và bộ óc quản lý, kinh doanh nhạy bén, ông quyết định thay máu toàn bộ ban điều hành bằng những người có kinh nghiệm hơn, tự mình nắm giữ bộ phận phát triển sản phẩm. Đến năm 1992, thành công của Oracle7 đưa công ty quay lại đúng hướng. Một năm sau, Larry Ellison trở thành tỷ phú.

Ellison đã gặt hái được nhiều thành công hơn thời gian sau đó. Công ty Oracle đã phát triển các sản phẩm tương thích với công nghệ World Wide Web, giúp công ty phát triển. Vào đầu những năm 2000, Ellison hướng Oracle với chiến lược mạnh mẽ là mua lại các công ty phần mềm của đối thủ. Hàng chục thương vụ mua lại đã được thực hiện, như những vụ mua lại trị giá hàng tỷ đô la PeopleSoft (2005), Siebel (2006), BEA (2008) và Sun Microsystems (2010).

Ellison là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất của Thung lũng Silicon, vừa được ngưỡng mộ vì thành công rực rỡ, vừa được ngưỡng mộ vì phương pháp kinh doanh đôi khi tàn nhẫn.

Vào tháng 9/2014, Ellison từ chức Giám đốc điều hành của Oracle, mặc dù ông vẫn gắn bó với công ty, giữ chức vụ chủ tịch điều hành và giám đốc công nghệ.

Ellison từng chia sẻ với Viện Smithsonian, trở thành tỷ phú chưa bao giờ là mục tiêu của ông. "Khi tôi thành lập Oracle, điều tôi muốn làm là tạo ra một môi trường để tôi thích làm việc. Đó là mục tiêu hàng đầu của tôi. Chắc chắn rồi, tôi muốn kiếm sống. Tôi chắc chắn không bao giờ nghĩ mình giàu có, không phải là giàu đến thế này".

Bây giờ, ở tuổi 70 tuổi, Ellison có cuộc sống hàng triệu người ao ước.

Ông nói với Mike Wilson, tác giả cuốn sách Sự khác biệt giữa Chúa và Larry Ellison: "Đây là tất cả những điều kỳ quái. Tôi thậm chí không tin vào điều đó".

Ellison là một người đam mê du thuyền và từng thành lập một đội du thuyền giành được America Cup danh giá vào năm 2010. Năm 2012, Ellison đã mua 98% cổ phần của hòn đảo Lanai ở Hawaii. Năm đó, người ta ước tính tài sản cá nhân của ông trị giá khoảng 40 tỷ USD, đưa ông trở thành người giàu thứ 6 trên thế giới và người Mỹ giàu thứ 3 (sau nhà sáng lập Microsoft Bill Gates và nhà đầu tư Warren Buffett).

Ellison còn sở hữu bộ sưu tập ô tô và máy bay phản lực tư nhân. Danh mục đầu tư bất động sản đáng kinh ngạc của ông bao gồm một câu lạc bộ golf tư nhân ở Rancho Mirage, California; một ngôi nhà trị giá 70 triệu đô la ở Thung lũng Silicon; ngôi nhà mùa hè trước đây của gia đình Astor ở Newport, Rhode Island; một biệt thự vườn lịch sử ở Kyoto, Nhật Bản; và toàn bộ đảo Lanai của Hawaii....Vì yêu bóng rổ, ông lắp đặt hẳn sân bóng trên ít nhất 2 du thuyền của mình.

Ngoài kinh doanh giỏi, ông cũng đã trao hàng trăm triệu đô la cho tổ chức từ thiện, đặc biệt là nghiên cứu và giáo dục y tế.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/larry-ellison-con-duong-thanh-ty-phu-tu-ke-tay-trang-202204030613490159.html