'Lát cắt kinh tế' trong cuộc tái đấu
Trong bối cảnh thế giới đang bị chia rẽ và quan hệ kinh tế đang rạn nứt, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa thu tới nhận được sự quan tâm và lo lắng đặc biệt của giới lãnh đạo và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Các nhà phân tích cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử năm nay sẽ bị ảnh hưởng bởi nhận thức của cử tri về điều kiện kinh tế cũng như các chính sách kinh tế của ứng cử viên.
Nhân tố kinh tế trong lịch sử bầu cử Mỹ
Năm 1980, một cuộc suy thoái kinh tế cùng với lạm phát cao đã làm tăng “chỉ số khốn khổ” (Misery Index - dùng để đánh giá mức độ khổ trong cuộc sống của người dân của một quốc gia trên cơ sở tính tổng tỉ lệ thất nghiệp, lãi suất cho vay và lạm phát trên tăng trưởng GDP đầu người trong năm). Điều này đã mang lại cho Ronald Reagan chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter. Nhưng các chính sách tích cực của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Paul Volcker nhằm kiềm chế lạm phát sau đó đã gây ra một cuộc suy thoái sâu sắc, khiến đảng Cộng hòa thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1982. Tuy nhiên, đến năm 1984, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt 7% và Tổng thống Reagan tái đắc cử một cách dễ dàng.
Trong cuộc cạnh tranh sắp diễn ra giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden, kinh tế một lần nữa lại là mối quan tâm hàng đầu của cử tri trong bối cảnh hai ứng cử viên có các chương trình nghị sự tương đối trái ngược về các chủ đề ảnh hưởng mật thiết đến tài chính của người dân Mỹ, bao gồm thuế, an sinh xã hội và thương mại.
Chính sách thuế
Nếu trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden đã tìm cách tăng thuế đối với người giàu và một số tập đoàn lớn và coi mục tiêu đó là nỗ lực nhằm mang lại sự công bằng cho luật thuế, thì cựu Tổng thống Trump lại muốn đảo ngược chính sách này, bằng cách cắt giảm thuế vốn được ông coi là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Donald Trump cam kết gia hạn các khoản cắt giảm thuế đã được ký thành luật trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khi chúng hết hạn vào năm 2025. Chương trình này chủ yếu làm lợi cho các hộ gia đình giàu có, chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ và chủ sở hữu bất động sản. Với doanh nghiệp, trong nhiệm kỳ trước, chính quyền của ông Trump và Quốc hội đã quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%.
Ngược lại, Tổng thống Biden đã đề xuất tăng thuế đối với những người giàu có và ưu tiên cho một số biện pháp cắt giảm thuế của người tiền nhiệm Donald Trump sớm hết hiệu lực.
Bên cạnh đó nhắm mục tiêu vào các cá nhân có giá trị ròng cao, Tổng thống Biden từng tuyên bố sẽ áp đặt loại hình đầu tiên của thuế tài sản. Năm ngoái, chính quyền Mỹ đương nhiệm đã đề xuất kế hoạch thuế năm 2024, bao gồm thuế 25% đối với tài sản của những cá nhân có tài sản ròng vượt quá 100 triệu USD. Ông Biden cho biết, kế hoạch này sẽ chỉ phải áp dụng cho 0,01% người Mỹ.
Chính sách an sinh xã hội
Năm 2016, ông Trump đã không ủng hộ quan điểm của đảng Cộng hòa về việc cắt giảm chương trình An sinh Xã hội và chương trình bảo hiểm y tế Liên bang Medicare. Trong suốt nhiệm kỳ của mình ông cũng không đưa ra chính sách nào ảnh hưởng tới chương trình này. Do vậy, đây có thể được coi là lĩnh vực hiếm hoi mà hai ứng cử viên có chung quan điểm.
Trong đề xuất ngân sách ngày 11.3, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết về việc duy trì hệ thống phúc lợi quốc gia. Ông kêu gọi nỗ lực mới nhằm cải thiện tính hiệu quả của chương trình An sinh Xã hội và Medicare, nổi bật là việc buộc người giàu có phải chi trả nhiều hơn cho chương trình y tế. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn thiếu các thông tin chi tiết về cách thức bảo đảm tính ổn định dài hạn của hai chương trình.
Về phần mình, ông Trump ngày 11.3 đánh tiếng sẽ cắt giảm chi tiêu cho quỹ An sinh Xã hội và Medicare, cho rằng công tác quản lý hai chương trình này có bất cập. Những người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông sau đó giải thích rằng ông Trump muốn đề cập đến cắt giảm các khoản lãng phí.
Chính sách thương mại
Trong nhiều năm trở lại đây, nền chính trị Mỹ ngày càng trở nên phân cực, do những bất đồng sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng chính sách thương mại là một trong số rất ít những lĩnh vực dường như có được sự hội tụ của hai bên.
Bất chấp mọi khác biệt, ông Biden gần như giữ nguyên nghị trình thương mại từ thời ông Trump. Mỹ dưới sự điều hành của Tổng thống Biden vẫn áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc và tiếp tục thực thi chính sách công nghiệp theo hướng bảo hộ vốn làm nhiều nước châu Âu bất bình.
Nếu tái cử, ông Biden nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách thiên về hướng làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với các đồng minh của Mỹ, một chính sách được biết đến với tên gọi friendshoring (dịch chuyển sản xuất sang nước bạn bè) và giảm phụ thuộc chuỗi cung ứng vào các nước cạnh tranh như Trung Quốc. Chính quyền Biden được dự báo sẽ hoàn tất rà soát chính sách thuế thắt chặt đối với hàng hóa Trung Quốc trong những tháng tới và có thể sẽ giảm thuế đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong khi tăng thuế với nhóm sản phẩm giúp bảo vệ ngành công nghiệp xe điện của Mỹ.
Về phần mình, cựu Tổng thống Mỹ, người tự phong mình là “Người thuế” (Tariff Man), đã đề cập đến ý tưởng áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu. Kế hoạch này được dự báo sẽ gây ra một làn sóng gián đoạn mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, ông cảnh báo sẽ thúc đẩy một cuộc phân ly giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với các biện pháp như chấm dứt quy chế Tối huệ quốc (Most Favoured Nation) dành cho Trung Quốc và áp mức thuế 60% với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này nếu ông đắc cử.
Chính sách môi trường
Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (IRA) được coi là một trong những thành tựu lập pháp của ông Biden, với những quy định liên quan đến thuế môi trường và luật môi trường để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch và chuỗi cung ứng xe điện trong nền kinh tế. Chính quyền Biden kỳ vọng đạo luật có thể chứng minh tính bền vững bởi nhiều khoản đầu tư này đang được rót vào những bang mà đảng Cộng hòa nắm ưu thế. Tuy nhiên, tương lai của IRA cùng với quỹ đạo trong chính sách khí hậu của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc ai là người thắng cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.
Trong khi đó, ông Trump - người lâu nay luôn chỉ trích xe điện, cho rằng giá xe điện quá cao và đe dọa đến việc làm của người Mỹ, sẽ không hào hứng với luật này nếu như ông thắng cử. Cựu Tổng thống Mỹ, người từng quyết định rút khỏi Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, gần như chắc chắn cũng không ưu tiên cho đầu tư vào năng lượng sạch.
Nhưng mặc dù ông Trump có thể cố gắng hủy bỏ các chương trình năng lượng xanh tốn kém của Biden, nhưng các khoản trợ cấp - như những khoản trợ cấp được thiết lập theo IRA - lập ra thì dễ nhưng bỏ đi thì không đơn giản.
Ưu thế đang nghiêng về ai?
Có một nghịch lý là, mặc dù dưới thời Tổng thống Biden, nước Mỹ đang chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp thấp (ở mức 3,9%), tăng trưởng mạnh (đạt tỷ lệ hàng năm là 4,9% và 3,3% trong hai quý cuối năm 2023) và cho đến gần đây, lạm phát đang chậm lại (3,2%) kể từ tháng 2.2024, nhưng ông không nhận được tín nhiệm cao về chính sách kinh tế. Đảng Dân chủ từng ca ngợi một loạt thành tựu lập pháp như Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Đạo luật Khoa học và CHIPS là những thành công có thể thay đổi cuộc chơi. Nhưng một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 23% người Mỹ nghĩ rằng các chính sách của ông đã giúp ích cho họ, so với 53% đưa ra câu trả lời ngược lại. Đối với ông Donald Trump, con số này là 49% và 37%.
Một cuộc khảo sát của Bloomberg News và công ty tình báo toàn cầu Morning Consult hồi tháng 12.2023 cũng cho thấy cử tri tại 7 bang "chiến địa” thấy tin tưởng hơn vào khả năng của ông Trump trong xử lý nhiều vấn đề liên quan tới túi tiền của người dân, bao gồm nhà ở, lãi suất, lạm phát, bên cạnh vấn đề cân bằng ngân sách quốc gia. “Bang chiến địa” là những bang có lượng cử tri dao động lớn, dẫn tới kết quả bầu cử khó lường và có thể chi phối kết quả cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, cũng không ít những tranh cãi đã nổ ra về các chính sách kinh tế do ông Trump đề xuất.