Lật lại hàng loạt vấn đề sau vụ sập hầm đường bộ khiến 40 công nhân mắc kẹt
Dự án xây dựng tuyến cao tốc có đường hầm bị sập từng bị chỉ trích vì chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường.
Chậm kế hoạch, thiếu đánh giá tác động môi trường
Theo Reuters, đoạn đường bị sập nằm ở dãy Himalaya đi qua bang Uttarakhand, thuộc dự án xây dựng cao tốc phục vụ hành hương Char Dham đầy tham vọng của Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Mục đích của dự án là kết nối bốn địa điểm hành hương quan trọng trong đạo Hindu ở miền bắc Ấn Độ bằng tuyến đường hai làn dài 889km với tổng chi phí xây dựng lên tới 1,5 tỷ USD.
Dự án xây dựng đường hầm bắt đầu vào năm 2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022 nhưng hiện bị hoãn tới tháng 5/2024.
Khu vực đoạn hầm bị sập thường xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.
Sự cố ngày 12/11 diễn ra giữa lúc nhiều khu vực ở bang Uttarakhand thường xuyên bị lún trong thời gian gần đây, khiến hàng trăm ngôi nhà bị hư hại.
Các nhà địa chất, người dân và giới chức địa phương cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do tốc độ thi công quá nhanh của các công trình ở khu vực vùng núi.
Do đó, theo hãng tin Reuters, chính quyền địa phương tại một số khu vực ở Ấn Độ, bao gồm bang Uttarakhand đã đình chỉ một số hạng mục thi công thuộc tuyến đường Char Dham qua địa bàn.
Không chỉ vậy, dự án cũng vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia về môi trường.
Trong báo cáo tháng 7/2020, ủy ban chuyên gia do Tòa án Tối cao Ấn Độ chỉ định đã kết luận đơn vị thi công tuyến đường chưa đánh giá đầy đủ tác động với khu vực xung quanh trước khi tiến hành thi công.
Tiếp đó, năm 2021, Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu chính phủ nước này lưu ý tới những quan ngại của ủy ban chuyên gia và vạch chiến lược rõ ràng để bảo vệ môi trường trong quá trình thi công.
Về phần mình, Chính phủ liên bang Ấn Độ cho biết đã sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường trong khâu thiết kế nhằm đảm bảo an toàn tại các khu vực dễ sụt lún.
Ngày 14/11, Thủ hiến bang Uttarakhand Pushkar Singh Dhami cho biết bang này sẽ kiểm tra công tác xây dựng tại tất cả đường hầm đang thi công trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn và dễ dàng ứng phó trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp.
Lắp đường ống thép cỡ lớn để đưa nhóm công nhân ra ngoài
Cập nhật thông tin cứu nạn 40 công nhân mắc kẹt, trong ngày 14/11, đội cứu hộ dùng máy móc hạng nặng khoan đục để lắp đường ống thép cỡ lớn, hỗ trợ đưa 40 công nhân mắc kẹt ra ngoài.
Ông Devendra Singh Patwal - quan chức quản lý thảm họa cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp thực phẩm, nước và khí oxy cho các công nhân mắc kẹt đồng thời thường xuyên giữ liên lạc với họ”.
Ông Patwal cũng cho biết hiện chưa thể ước tính khoảng thời gian cần thiết để đưa nhóm công nhân ra ngoài. Một nhóm các nhà địa chất thuộc bang Uttarakhand đã tới hiện trường nơi sập hầm để xác minh nguyên nhân vụ việc.
Hãng Indian Express dẫn lời ông Rajeev Das - một công nhân xây dựng thoát ra an toàn trước khi đoạn hầm bị sập cho biết có khoảng 50-60 công nhân ở trong đường hầm, trong đó khoảng 10-20 người ở gần lối ra đã ra ngoài an toàn sau khi kết thúc ca làm việc, số còn lại bị mắc kẹt do đường hầm bị sập.
“Ban đầu, chúng tôi cho rằng đây chỉ là vụ sập hầm quy mô nhỏ và tự dỡ bỏ các mảnh vỡ. Nhưng không lâu sau, chúng tôi nhận ra rằng vụ việc này rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có chiến dịch tìm kiếm cứu hộ rất phức tạp”, ông Rajeev Das nói.