Lật lại hồ sơ mật liên quan đến cuộc đảo chính tại Chile 50 năm trước

Trước lễ kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính của Tướng Augusto Pinochet đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Chile, Tổng thống đương nhiệm Gabriel Boric đã yêu cầu chính phủ của Tổng thống Joe Biden cung cấp thêm thông tin về sự can dự của Mỹ vào âm mưu này. Nhiều hồ sơ từ thời điểm đó vẫn được đóng dấu mật hoặc biên tập lại và di sản cay đắng của chế độ độc tài Pinochet vẫn đang tiếp tục chia rẽ Chile.

Ngày 11-9-1973, Tướng Augusto Pinochet tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Salvador Allende. Khi quân đội đang tập trung bên ngoài phủ Tổng thống, ông Allende đã có bài phát biểu cuối cùng với tư cách là người đứng đầu quốc gia, ông thề không từ chức và sau đó tự sát. Hậu quả tàn khốc hơn, cuộc đảo chính này đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mở ra thời kỳ 17 năm quân đội nắm quyền ở Chile.

 Ảnh chụp Tổng thống Chile Salvador Allende năm 1973

Ảnh chụp Tổng thống Chile Salvador Allende năm 1973

Sự can dự của chính quyền Nixon

Theo nguồn tài liệu giải mật vừa được xuất bản trong một ấn phẩm tiếng Tây Ban Nha về hồ sơ Pinochet của nhà văn Peter Kornbluh, đứng sau cuộc đảo chính nói trên chính là sự hỗ trợ của Mỹ. Đầu tiên, vài ngày trước khi ông Salvador Allende được xác nhận là Tổng thống Chile vào năm 1970, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã gặp một ông trùm truyền thông của Chile để thảo luận việc ngăn chặn con đường trở thành Tổng thống của nhà lãnh đạo theo đường lối xã hội chủ nghĩa này.

Cụ thể, ngày 15-9-1970, Tổng thống Nixon đã tiếp ông Agustin Edwards (chủ sở hữu Tập đoàn truyền thông El Mercurio bảo thủ của Chile) tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Trước đó 1 ngày, ông Edwards đã gặp giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Richard Helms. Các ghi chú từ cuộc trò chuyện đó mô tả chi tiết quan điểm của ông trùm truyền thông về các thành viên của quân đội Chile, khiến ông chủ Nhà Trắng đề nghị lên kế hoạch kỹ lưỡng cho một cuộc đảo chính nhằm ngăn cản ông Allende.

Chính trị gia Allende đã giành chiến thắng cách biệt trước đối thủ Jorge Alessandri trong cuộc bầu cử Tổng thống Chile, nhưng vì không có đủ đa số phiếu, Quốc hội Chile sẽ phê chuẩn ứng cử viên đứng ra thành lập chính phủ. Một cách bí mật, với sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Nixon, một kế hoạch đã được ấp ủ để quân đội Chile lên nắm quyền, giải tán Quốc hội và ngăn chặn lễ nhậm chức của ông Allende.

Theo một bản ghi nhớ (mà trước đó đã bị biên tập lại rất nhiều) có tựa đề “Cuộc trò chuyện với Agustin Edwards - chủ sở hữu Tập đoàn truyền thông El Mercurio của Chile, ngày 18- 9-1970”, bên cạnh đạn dược và các khoản thanh toán, Augustin Edwards đã truyền đạt đề nghị đối với quân đội cùng “sự đảm bảo người tham gia sẽ không bị bỏ rơi và tẩy chay”.

Sau các cuộc họp ở Washington, CIA đã cấp cho một trong những kẻ chủ mưu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và “tiền bịt miệng”, trong khi một người khác nhận súng đạn và 50.000 USD tiền mặt để thực hiện âm mưu liên quan đến vụ bắt cóc Tướng Rene Schneider - người đứng đầu lực lượng vũ trang Chile khi đó. Nỗ lực thất bại và Tướng Schneider qua đời 3 ngày sau vì những vết thương do đạn bắn khi xe của ông bị phục kích vào ngày 22-10-1970.

Theo bản ghi chép cuộc điện đàm mà Tổng thống Nixon gọi cho Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger vào ngày hôm sau, ông Kissinger thú nhận rằng “có lẽ đã quá muộn” để ngăn chặn chính phủ của ông Allende. Ông Kornbluh giải thích: “Không ai trong số họ tỏ ra hối hận về việc Tướng Schneider sắp chết. Điều họ tức giận là quân đội Chile đã không thực hiện âm mưu đã được lên kịch bản”.

Trong khi đó, ông Allende tiếp tục được công chúng ủng hộ và Quốc hội Chile đã phê chuẩn vị trí lãnh đạo của ông trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 24-10-1970. Sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Allende, tờ El Mercurio và CIA đã liên tục thực hiện các hoạt động phá hoại chính quyền mới. Đỉnh điểm của nó là cuộc đảo chính đẫm máu vào ngày 11-9-1973.

Tác giả Kornbluh nhận định: “Thật không thể tin được rằng, 50 năm sau chúng ta vẫn đang tìm hiểu những chi tiết chính về cách người Mỹ cố gắng ngăn chặn, cản trở, làm suy yếu và gây bất ổn cho Tổng thống theo đường lối xã hội chủ nghĩa được bầu đầu tiên ở Chile”. Ông viết thêm: “Chile là một trong những hoạt động bí mật khét tiếng nhất của CIA và là nơi thể hiện mối liên hệ rõ ràng khi Tổng thống Mỹ ra lệnh lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ. Những tài liệu này nhắc nhở chúng ta về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Chile”.

Trước lễ kỷ niệm 50 năm cuộc đảo chính, ông Juan Gabriel Valdes - Đại sứ Chile tại Washington, đã chính thức yêu cầu Tổng thống Biden công bố các tài liệu nêu chi tiết những cuộc trò chuyện của Nhà Trắng về Chile từ năm 1973 đến 1974. Nhà sử học Antonia Fonck cho biết, trong khi số lượng nhỏ các tài liệu được giải mật đã giúp Chile hiểu rõ hơn về vai trò của Mỹ trong việc hạ bệ Tổng thống Allende, thì những nỗ lực phối hợp nhằm che giấu sự thật đã khiến người ta khó có thể dựng lại bức tranh hoàn chỉnh về giai đoạn đó.

Được bổ nhiệm làm người đứng đầu quân đội, Tướng Augusto Pinochet (trái) ngay sau đó đã đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende (phải) vào tháng 9-1973

Được bổ nhiệm làm người đứng đầu quân đội, Tướng Augusto Pinochet (trái) ngay sau đó đã đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende (phải) vào tháng 9-1973

Sự giúp sức của tình báo Australia

Trong một diễn biến khác, tháng 6-2021, các tài liệu được giải mật của Chính phủ Australia cũng tiết lộ rằng, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Australia (ASIS) đã mở một căn cứ ở Santiago để hỗ trợ CIA gây bất ổn cho Chính phủ Chile trước cuộc đảo chính quân sự đẫm máu cách đây 50 năm.

Thời điểm tháng 12-1970, ông Billy McMahon - Bộ trưởng Ngoại giao Australia (sau đó trở thành Thủ tướng Australia) đã chấp thuận đề nghị mở căn cứ của ASIS ở Santiago, Chile. Trong 18 tháng kể từ năm 1971, ASIS rõ ràng đã tiến hành các hoạt động bí mật ở Chile, bao gồm cho phép CIA sử dụng địa điểm ở Santiago để tuyển mộ và gửi thông tin tình báo về Tổng hành dinh CIA tại Langley (bang Virginia).

Các tài liệu này được phát hành tháng 6-2021 theo đề nghị của ông Clinton Fernandes (cựu sĩ quan tình báo quân đội, giáo sư nghiên cứu chính trị và quốc tế tại Đại học New South Wales ở Canberra). Ông Fernandes đã gây sức ép để chính phủ liên bang giải mật các hồ sơ lịch sử về an ninh quốc gia, trong đó có các hoạt động bí mật của ASIS ở Campuchia, Indonesia cũng như Chile.

Trong các phiên điều trần kín tại tòa án, Chính phủ liên bang Australia và các cơ quan an ninh đã lập luận rằng, việc xác nhận hoặc công bố hồ sơ về các hoạt động của ASIS (bao gồm cả ở Chile) sẽ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia. Thực tế, các tài liệu được phát hành năm 2021 đã được biên tập lại rất nhiều và đề cập đến ASIS bằng mã “MO9”.

Nhưng ông Clinton Fernandes và luật sư của ông cho rằng, an ninh quốc gia không bị tổn hại khi công bố các tài liệu không được kiểm duyệt và hầu hết những người có tên giờ đã chết. “Nhưng an ninh quốc gia phải là một mục tiêu chứ không phải là một bằng chứng ngoại phạm. Tất cả phải vì sự an toàn của dân chúng, không phải vì bảo vệ các nhà hoạch định chính sách khỏi trách nhiệm giải trình dân chủ” - ông Clinton Fernandes lập luận.

Tuy nhiên, tới năm 1973, Thủ tướng tiếp theo của Australia là ông Gough Whitlam đã ra lệnh cho William Robertson - Giám đốc ASIS khi đó, giải tán các hoạt động tại Chile. Các tài liệu được công bố vào tháng 6-2021 còn cho thấy, Thủ tướng Whitlam bị giằng xé về việc, liệu tiết lộ Australia tham gia phá hoại nền chính trị ở Chile có thể gây ra hậu quả nào hay không? Hoặc việc rút cơ quan ASIS tại Chile có bị Washington đánh giá là chống Mỹ hoặc “làm xấu mặt CIA” hay không? Vào ngày 1-7-1973, chỉ 2 tháng trước khi cuộc đảo chính quân sự Chile diễn ra, trạm ASIS ở Santiago báo cáo với Canberra rằng nó đã ngừng hoạt động. Tất cả hồ sơ còn lại của trạm đã bị hủy.

Theo Guardian

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lat-lai-ho-so-mat-lien-quan-den-cuoc-dao-chinh-tai-chile-50-nam-truoc-post549336.antd