Lật lại vụ khủng bố tại trường học đẫm máu nhất lịch sử nước Nga - Kỳ 3
Buổi sáng ngày thứ hai của vụ khủng bố trường học Beslan đã chứng kiến nhiều diễn biến quan trọng.
Kỳ 3: Tra tấn, lạm dụng và nỗ lực đàm phán
Khi bị giam giữ, học sinh trong trường bị cấm uống nước và không được phép đi vệ sinh, đồng nghĩa với cái chết từ từ. Bắc Ossetia nằm ở phía Nam nước Nga, nơi nhiệt độ có thể trở nên gay gắt vào đầu tháng 9. Những kẻ khủng bố đã nhốt trên 1.000 người trong một phòng thể dục nhỏ, đóng kín cửa sổ và không cho họ nước uống. Khi các con tin bắt đầu phải tự giải quyết nhu cầu cá nhân trên sàn vì không còn lựa chọn nào khác, phòng thể dục biến thành một nhà tù địa ngục. Cơn khát trở nên không thể chịu đựng được. Đến trưa, nhiều người buộc phải uống nước tiểu của chính mình để sống sót.
Vào lúc 4 giờ chiều, cựu Tổng thống Ingushetia là ông Ruslan Aushev được phép vào trường. Ông Aushev rất có ảnh hưởng ở Ingushetia và mặc dù ban đầu ông không được mời để đàm phán, nhưng những kẻ khủng bố đã đồng ý nói chuyện với ông. Tuy nhiên, Tổng thống Bắc Ossetia, Alexander Dzasokhov, không được phép vào trường. Rõ ràng, những kẻ khủng bố muốn kích động bạo lực sắc tộc giữa người Ossetian và Ingushetia. Bộ chỉ huy chiến dịch lo ngại rằng ông Aushev sẽ bị giết ngay lập tức.
Qua ông Aushev, những kẻ khủng bố đã truyền đạt yêu cầu của mình, bao gồm chấm dứt hoạt động quân sự ở Chechnya, rút quân và trao ngay lập tức độc lập cho khu vực này. Chúng khăng khăng rằng các cuộc đàm phán phải được thực hiện với Aslan Maskhadov, Tổng thống chính thức của Chechnya. Ngoài ra, Khuchbarov đồng ý thả các trẻ sơ sinh và mẹ của chúng. Các em bé không hiểu điều gì đang xảy ra, khóc liên tục, khiến những kẻ khủng bố lo lắng. Tổng cộng có 26 con tin được thả.
Một trong những bức ảnh xúc động nhất về vụ tấn công Beslan được chụp khi sĩ quan cảnh sát Elbrus Gogichaev bế bé gái sáu tháng tuổi Alena Tskaeva ra ngoài an toàn. Mẹ của cô bé vẫn ở trong trường cùng hai đứa con khác và họ bị giết vào ngày hôm sau.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy chiến dịch tìm cách thoát khỏi cơn ác mộng. Nói rằng tình hình nghiêm trọng là một cách nói nhẹ nhàng. Năm 1999, khi chiến tranh bùng phát trở lại, Nga chính thức từ chối đàm phán với Maskhadov. Nhưng vào lúc này, tình huống đã thay đổi hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nỗ lực tiếp cận Maskhadov đều vô ích. Không ai biết Maskhadov đang nghĩ gì.
Một số người cho rằng các cuộc đàm phán với Maskhadov nên tập trung vào việc rút quân và công nhận độc lập của Chechnya, chứ không phải giải thoát con tin.
Cuối cùng, Maskhadov quyết định không làm gì. Trong cuộc khủng hoảng con tin Beslan, hắn im lặng và không có động thái can thiệp.
Ngày thứ hai là ngày khó khăn nhất – cảm giác như chờ đợi không bao giờ kết thúc. Những kẻ khủng bố hành động khó lường và tâm trạng của chúng thường thay đổi. Có lúc, một trong những tay súng muốn cho các con tin nghe nhạc, nhưng sau đó lại đổi ý. Một tên khác trách mắng các nam học sinh vì đã nằm sai cách và gây khó chịu cho một con tin lớn tuổi. Các con tin bị đánh đập. Một số học sinh bị tra tấn bằng cách buộc phải ngồi hàng giờ “như những con thỏ”, tức là hai tay để sau đầu. Sau một thời gian, các cơ của các em co rút lại, gây ra đau đớn.
Vào tối 2/9, mọi người gần như phát điên vì cái nóng, khát nước và mùi hôi thối kinh khủng. Đột nhiên, một trong những kẻ khủng bố dường như lấy lại được một chút nhân tính và cho phép vài học sinh đi vệ sinh, nơi có nước. Tuy nhiên, Khodov đã hét vào mặt kẻ khủng bố “nhân đạo” này và đánh một cậu bé 11 tuổi mà hắn thấy đang uống nước, nhưng ít nhất hắn không giết ai.
Trong khi đó, bên ngoài, tình hình cũng hỗn loạn không kém. Người dân từ khắp Ossetia đổ về Beslan. Kể từ cuộc xung đột Ossetia - Ingushetia vào những năm 1990, nhiều người đã tích trữ vũ khí trong nhà – chủ yếu là súng săn, nhưng cũng có không ít súng quân sự và thậm chí cả súng máy hạng nhẹ. Lực lượng tự phát này giờ đang lang thang khắp các con đường và chính quyền không kiểm soát được họ.
Những kẻ khủng bố được đề nghị nhận tiền, được an toàn rời đi, bất kỳ phương án nào có thể để chúng thả con tin, nhưng tất cả đều vô ích.
Đến tối ngày 2/9, có một số kịch bản có thể xảy ra và tất cả đều tồi tệ. Một cuộc tấn công sẽ khiến rất nhiều học sinh chết. Tuy nhiên, nếu không làm gì, những đứa trẻ đó cũng sẽ chết vì mất nước và kiệt sức. Đàm phán với Maskhadov có vẻ là giải pháp tối ưu, nhưng không ai biết hắn ta ở đây. Những kẻ tội phạm đã bị kiệt sức về tâm lý. Chúng là những kẻ cuồng tín tôn giáo và là những quái vật kiểm soát các quả bom đe dọa tính mạng mọi người, và bất kỳ điều gì cũng có thể kích hoạt chúng.
Đơn vị chống khủng bố FSB đã có mặt tại Beslan. Sau một loạt cải cách, đơn vị này được gọi là Trung tâm Mục đích Đặc biệt FSB nhưng hầu hết mọi người vẫn gọi hai đơn vị chính theo tên cũ: Alpha và Vympel. Các đơn vị này có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ thời Liên Xô vào những năm 1970. Họ xử lý các hoạt động chống khủng bố điển hình. Tấn công một chiếc xe buýt hoặc máy bay bị nhóm khủng bố chiếm giữ là việc thường lệ đối với họ. Trong những tình huống như vậy, Alpha và Vympel có năng lực tương đương với bất kỳ đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ nào trên thế giới, như GSG-9 của Đức, Yamam của Israel, hay GIGN của Pháp. Nhưng tình huống ở Beslan không giống bất kỳ tình huống nào. Chuỗi chất nổ làm cho việc tấn công gần như không thể thực hiện mà không đổ máu, nhưng việc tránh hoàn toàn cũng không phải là một lựa chọn.
Các quan chức quân đội Nga cho biết một cách không chính thức rằng một cuộc tấn công sẽ được thực hiện vào đêm 4/9 bất kể tình hình diễn ra như thế nào. Đó là lựa chọn hợp lý nhất: những kẻ khủng bố sẽ yếu nhất vào thời điểm đó và bóng đêm mang lại lợi thế chiến thuật cho các lực lượng đặc nhiệm được trang bị thiết bị nhìn ban đêm. Cho dù cơ hội có mong manh đến đâu, cơ hội vẫn lớn hơn vào ban đêm. Các đơn vị Alpha và Vympel dự định dành ngày 3/9 để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Nhưng thực tế lại khác. Cao trào của bi kịch kéo dài đang đến gần.