'Lật tẩy' bí mật về làn da của bạn và cách chăm sóc
Bạn cần tìm hiểu kỹ về làn da của mình để có phương pháp chăm sóc cho phù hợp.
Da là bộ phận rộng nhất trên cơ thể
Thật như thế, làn da bao phủ toàn bộ cơ thể và có diện tích trung bình lên đến 2 m2 và có độ dày khoảng 0,7 - 3 cm tùy thuộc vào mỗi vị trí trên bộ phận cơ thể. Ví dụ, chúng ta sẽ thấy vùng da mặt thường mỏng hơn da tay, chân, bắp đùi rất nhiều.
Về cấu tạo tự nhiên, làn da gồm 2 lớp chính: Lớp sừng ngoài (còn được gọi là biểu bì da), là nơi quyết định đến sự co giãn hoạt động của cơ thể một cách dễ dàng nhất, chúng gồm 20 đến 30 hàng tế bào xếp chồng chất lên nhau, đây cũng lý giải cho chúng ta biết tại sao làn da mình có thể vận động được một cách trơn tru. Nếu bạn thắc mắc tại sao ta cần đều đặn tẩy da chết thì đây là lời giải thích trọn vẹn nhất, vì hàng ngàn tế bào tại biểu bì dưới những tác động ngoài, chúng bong tróc khỏi da ở dạng vô cùng nhỏ bé, thường được gọi là lớp vảy, nếu như bạn không tẩy chúng đi và nhường chỗ cho những “mầm da non” bên trong, làn da sẽ không thể hấp thụ dinh dưỡng từ kem, và chúng không thể phục hồi một cách hoàn thiện.
Theo như nghiên cứu và sàng lọc, tính trung bình 1 tế bào da mới mất từ 3 - 4 tuần để đi hết vòng đời (nghĩa là từ khi chúng là lớp da non được hình thành từ những tế bào mới, cho đến khi mất đi). Lớp tổng hợp những tế bào da chết này được sinh ra cùng một lớp chất sừng - được minh chứng là loại protein khó hấp thu, nhưng lại mang khả năng chống chọi tốt với những thay đổi và chuyển biến từ tác động ngoài. Tính theo cách này, trong suốt cuộc đời, chúng ta đã mất đi đến 18 kg da đấy.
Bạn đang sở hữu loại da nào?
Phụ nữ trên khắp thế giới đều thử rất nhiều mẹo làm đẹp để có được làn da mịn màng và tươi sáng. Việc sở hữu một làn da hoàn hảo không chỉ phụ thuộc vào loại da của bạn mà còn liên quan đến kế hoạch ăn uống và thói quen chăm sóc da hằng ngày. Dù vậy, trước tiên, bạn cần hiểu loại da của chính mình có những đặc điểm nào.
Da bình thường: phụ nữ luôn luôn nhầm lẫn về việc sở hữu một làn da bình thường là như thế nào. Làn da bình thường có một sự cân bằng độ ẩm tốt, lỗ chân lông nhỏ và một màu da đồng đều, là một mẫu hình về làn da hoàn hảo cho các chị em.
Da khô: đây là loại da thiếu độ ẩm. Da bạn dễ dàng bị tróc hoặc có những mảng đỏ hay bị chàm. Làn da thường cảm thấy thô ráp khi sờ, kém đàn hồi hoặc khô ngay cả sau khi sử dụng kem dưỡng ẩm.
Da dầu: đây là loại da khó chịu nhất mà mọi phụ nữ đều không mong muốn. Những người có da dầu thường cảm thấy nhờn một vài giờ sau khi rửa mặt. Da nhờn dễ dẫn đến bùng phát mụn trứng cá. Những lỗ chân lông bị tắc, dẫn đến hình thành mụn không viêm như mụn đầu đen và mụn đầu trắng và mụn viêm như mụn nhọt, mụn dạng nang. Đây đều là những mối lo ngại chính đối với người sở hữu da nhờn.
Da hỗn hợp: da vùng trán, mũi, và cằm (vùng chữ T) của bạn bị nhờn và dễ bị tổn thương, trong khi các phần khác của khuôn mặt của bạn lại khô hoặc bong tróc. Da hỗn hợp cũng thay đổi theo thời tiết hay khí hậu.
Kích ứng và dị ứng da có giống nhau?
Kích ứng và dị ứng là hiện tượng khác nhau nhưng có những biểu hiện khá tương tự nhau nên dễ dẫn đến nhầm lẫn trong nhận định, xử trí các vấn đề của làn da khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm.
Kích ứng da: Thường có các dấu hiệu như da bị châm chích, ngứa, nổi mẫn đỏ, nóng rát, bong tróc… nhưng chỉ diễn ra tại vùng da có tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng. Nguyên nhân có thể do sử dụng mỹ phẩm chứa các thành phần hóa chất không phù hợp như các thành phẩn tẩy, chất bảo quản, hương liệu… có trong các sản phẩm mỹ phẩm hoặc có thể do một số nguyên nhân tiếp xúc khác như hóa chất, dịch tiết côn trùng… Kích ứng da cũng có liên quan độ dày của lớp biểu bì da như da mặt, mặt trong cánh tay, đùi dễ bị kích ứng hơn so với da mu bàn tay, bàn chân… cũng như nồng độ của tác nhân kích ứng. Tình trạng kích ứng có thể được cải thiện khi loại bỏ các tác nhân kích ứng và chăm sóc phù hợp sau thời gian ngắn hoặc một vài ngày. Một số loại thuốc đặc biệt dùng trong da liễu cũng có thể gây ra một số hiện tượng tương tự như kích ứng; nhưng khi ngưng thuốc các dấu hiệu sẽ biến mất cũng như không xuất hiện các tình trạng tổn thương khác trên da.
Dị ứng da: Dị ứng da có thể xem là một phản ứng quá mẫn của cơ thể và có mức độ nguy hiểm cao hơn so với kích ứng da. Dị ứng có liên quan đến các phản ứng miễn dịch, giải phóng các kháng thể để chống lại các tác nhân gây dị ứng. Biểu hiện của dị ứng khá giống với kích ứng da, nhưng phạm vi ảnh hưởng sẽ rộng hơn có thể là toàn bộ cơ thể khi các tác nhân kích ứng có thể đi thấm qua da và đi vào hệ thống tuần hoàn máu, thời gian da bị dị ứng cũng có thể kéo dài hơn.