Lật tẩy chiêu trò 'combo nghỉ dưỡng giá rẻ': Mất tiền, mất luôn kỳ nghỉ
Lợi dụng nhu cầu nghỉ dưỡng tăng vọt dịp hè, các chiêu trò lừa đảo qua fanpage mạo danh resort, khách sạn 5 sao đang hoành hành trên mạng xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi, bài bản. Không ít người dân tại TP Hồ Chí Minh đã 'trắng tay' sau khi đặt niềm tin vào các 'combo nghỉ dưỡng giá rẻ' này.
“Cú lừa” mang tên… dấu tích xanh
Như đa số phụ huynh khác, những ngày đầu hè, chị N.N.A. (ngụ phường Vườn Lài, TP Hồ Chí Minh) tranh thủ lên mạng tìm các tour du lịch cho cả nhà. Ngày 15/6 vừa qua, trong khi lướt facebook, chị N.A bị thu hút bởi nội dung quảng cáo của fanpage “Mandala Cham Bay Mui Ne”. Khi tìm hiểu chi tiết thông tin cũng như trao đổi “inbox”, chị càng tin tưởng hơn vào “độ xác thực” bởi trang này có dấu tích xanh. “Tôi đồng ý chọn combo 4 ngày 3 đêm cho 7 người với tổng chi phí chỉ… 8.550.000 đồng, kèm miễn phí xe đưa đón hai chiều tận nơi TP Hồ Chí Minh - Phan Thiết”, chị N.A kể.

Trang lừa đảo thể hiện dấu tích xanh, khiến nhiều người dễ dàng bị dẫn dụ và lừa đảo mất tiền. Ảnh: Nạn nhân cung cấp.
Người của fanpage yêu cầu chị N.N.A. đặt cọc 50%, tương đương 4.275.000 đồng, chuyển vào tài khoản "người nhận" là một công ty mở tại ngân hàng trong nước. Sau khi hoàn tất và gửi ảnh chụp biên lai giao dịch, chị N.A. được thông báo nội dung chuyển tiền ghi chưa “đúng cú pháp” như trong phiếu đặt phòng mà họ đã gửi trước đó. Vì khách sạn sử dụng hệ thống check-in phòng tự động, nên nội dung chuyển khoản phải đúng mã đặt phòng là “MANDALA29O123” để có thể “ghim phòng”.
Lúc này, kẻ lừa đảo trấn an “con mồi” an tâm, sẽ có người liên hệ hướng dẫn làm lại cho đúng. Một người đàn ông gọi từ số máy "0839754711" yêu cầu chị chuyển lại tiền cho “đúng cú pháp” và hứa sẽ hoàn lại giao dịch cũ. Nhận thấy chị N.A. phân vân, fanpage tiếp tục yêu cầu chị kết bạn với tài khoản Facebook của kế toán resort tên “Nguyễn Đức Trường”. Người này gọi video call, hướng dẫn các thao tác xác minh hoàn tiền qua VNPay giả mạo, đồng thời yêu cầu chị N.A. chụp lại giao diện tài khoản ngân hàng và cung cấp mã xác thực.
“May là lúc này tôi sực tỉnh sau những dấu hiệu bất thường liên tục nêu trên, nên đã dừng tương tác, từ chối cung cấp thêm thông tin. Dĩ nhiên cho đến nay, tôi xem như mất “tiền cọc” mà không nhận được mã đặt phòng, hóa đơn, không xác nhận thanh toán hay bất cứ khoản hoàn tiền nào từ nhóm lừa đảo trắng trợn đó. Liên hệ số điện thoại chính thức của resort thì được biết tôi đã gặp phải fanpage giả mạo, nhiều người cũng bị như tôi”, chị N.A nói.
Nạn nhân khác đặt phòng qua fanpage mạo danh Hòn Tằm Resort (Nha Trang). Trang này cung cấp giá phòng hợp lý, gửi bản xác nhận “như thật” với đầy đủ thông tin doanh nghiệp, mã QR chỉnh chu và yêu cầu chuyển cọc 2.025.000 đồng đến tài khoản một công ty có mở tài khoản trong nước. Tương tự, khi giao dịch hoàn tất, chị H.K.K. (phường Gia Định, TP Hồ Chí Minh) cũng nhận thông báo nội dung chuyển khoản sai cú pháp.

Đối tượng lừa đảo tạo lập các hóa đơn giả mạo theo mẫu phổ biến, để tạo niềm tin cho nạn nhân. Ảnh: Nạn nhân cung cấp.
“Họ bảo chuyển thêm lệnh nữa với nội dung “VZA269I” đúng theo bản xác nhận booking, còn lệnh sai trước đó sẽ hướng dẫn hoàn sau. Tôi không chịu, đòi hoàn trước thì mới chuyển lại thì họ bảo kết bạn với kế toán. Kế toán gửi một videoclip hướng dẫn. Tôi làm theo thì tài khoản liền bị trừ đúng số tiền theo code họ gửi. Họ nói tại em làm sai nên thay vì hoàn thì trừ. Lúc đó đang trong giờ làm việc tôi rối quá, hỏi còn cách nào khác không?
Họ đưa ra hai cách. Tới ngày ra resort nhận tiền mặt, hoặc gửi ảnh chụp CCCD để “sếp” bên đó làm “giấy ủy quyền” hoàn tiền cho tôi. Tôi chọn cách hai. Họ gửi lại tờ giấy có chữ ký “sếp”, trên đó có thông tin tên công ty, mã số thuế, rồi còn ghi thêm phải chuyển khoản lệnh cuối với code mặc định ghi sẵn trên giấy “12345678” và nếu chuyển tiếp là lại mất 12.345.679 đồng”, chị H.K.K. nhớ lại. Tổng cộng, số tiền chị H.K.K. bị chiếm đoạt hơn 21 triệu đồng.
Theo nhiều nạn nhân, thủ đoạn của nhóm lừa đảo không chỉ đánh vào chuyện ham giá rẻ, mà chúng còn biết “thả lưới” đúng thời điểm nhu cầu du lịch tăng cao, đồng thời, chọn giả mạo những khách sạn, resort đã “cháy phòng” để dụ “con mồi” phải “qua ngả” của chúng mới có thể booking.
Chưa hết, các nhóm lừa đảo còn cài cắm nội dung chuyển khoản nhập nhèm giữa số và chữ mục đích để nạn nhân luôn “sai cú pháp”. Ví dụ trong hai trường hợp trên, “MANDALA29O123” của chị N.N.A. thì không rõ số “0” hay chữ “O”, còn “VZA269I” của H.K.K lại không biết là “1” hay “I”. Các nạn nhân cả tin, đa số sẽ chuyển sai không dưới hai lần.
Chiếc bẫy nhiều tầng, hợp thức hóa như thật
Có trường hợp khi đã chuyển khoản đúng cú pháp, kẻ gian giở trò phòng đặt đã hết. “Thay cho lời xin lỗi”, phía khách sạn "rởm" sẽ đổi phòng cao cấp hơn, mà không phụ thu gì cả. Nạn nhân không thể từ chối, thì chúng “bổn cũ soạn lại” hướng dẫn hoàn tiền với yêu cầu chuyển khoản lần nữa.
Các nạn nhận đều bị dẫn dụ giống nhau, khi đối tượng lừa đảo rất tinh vi trích dẫn luật, dẫn ra Nghị định thuế vanh vách, rồi chưng ra giấy phép, tài khoản công ty hoàn toàn “hợp pháp”.
Cụ thể, trường hợp chị N.N.A. chuyển tiền tới số tài khoản của công ty có mở tại một ngân hàng trong nước, trùng khớp với mã số thuế của công ty này trên giấy phép kinh doanh vừa được cấp chưa đầy một tháng. Qua xác minh, chúng tôi tới địa chỉ đăng ký hoạt động, nhưng đơn vị quản lý tòa nhà cho hay không có tên nơi công ty này trong danh sách thuê văn phòng.
Tương tự, đối với chị H.K.K., công ty còn có mã số thuế, mới được cấp giấy phép ngày 22/3/2025 nhưng địa chỉ không hề tồn tại ở TP Hồ Chí Minh. Số điện thoại người đại diện pháp luật của các công ty “ma” này không liên lạc được.
Các bị hại chỉ còn biết gửi đơn trình báo công an và liên hệ ngân hàng để phản ánh, nhưng luôn nhận được phản hồi ngay khi chuyển tiền, các chủ tài khoản này rút ra ngay nên không làm gì được (?).
Chiếc bẫy đa tầng hiểu rõ tâm lý tiếc tiền của nạn nhân, từ chuyển cọc đến chuyển thêm lần này đến lần khác để được hoàn tiền. Các fanpage khách sạn, resort lừa đảo có điểm chung là thiết kế bắt mắt, đăng bài viết bài bản, thậm chí có dấu tích xanh khiến nhiều người tin tưởng, các tài khoản nhận tiền đều là tài khoản pháp nhân có giấy phép kinh doanh “thật”, mới thành lập, địa chỉ đăng ký kinh doanh không tồn tại hoặc “ảo”…
Các ổ nhóm lừa đảo công nghệ cao này có tổ chức, được đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, công cụ lẫn phương thức nhắm vào lòng tin và sự sốt ruột cho gia đình đi du lịch.
Có thể thấy lỗ hổng lâu nay trong việc cấp phép kinh doanh đối với các công ty “ma”, cơ quan chức năng dường như chưa có biện pháp xác minh, phong tỏa tài khoản, điều tra chủ thể đứng sau các tài khoản doanh nghiệp “bình phong”. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng, cơ quan thuế, Facebook và các nền tảng liên quan để bóc gỡ các ổ nhóm lừa đảo kỹ thuật số đang tràn lan.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở này đã ghi nhận nhiều phản ánh về việc bị lừa đảo khi mua các gói voucher nghỉ dưỡng giá ưu đãi từ các tổ chức, cá nhân không phải là doanh nghiệp lữ hành được cấp phép theo quy định pháp luật. Các đối tượng thường đưa ra lời mời chào hấp dẫn như ưu đãi mạnh giá phòng tại các khách sạn, resort cao cấp hoặc bán gói nghỉ dưỡng 1 năm với mức giá rẻ bất thường. Sau khi ký hợp đồng và chuyển khoản thanh toán trước, du khách mới phát hiện voucher không có giá trị sử dụng hoặc bị từ chối khi đến check-in tại cơ sở lưu trú.

Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo hoạt động tội phạm lừa đảo diễn biến phức tạp vào các dịp nghỉ lễ. CACC.
Trong khi đó, mới đây Công an TP Hồ Chí Minh cũng cảnh báo chiêu trò giả mạo hãng bay, dụ chuyển tiền đặt chỗ. Nguyên do, vào dịp lễ 30/4 – 1/5 năm nay trùng với dấu mốc 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến nhu cầu đi lại, du lịch, thăm thân tăng đột biến. Lợi dụng cơ hội này, nhiều đối tượng lừa đảo đã tung ra hàng loạt chiêu trò qua mạng xã hội để chiếm đoạt tiền đặt vé của người dân.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hồ Chí Minh, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả mạo fanpage hoặc website của các hãng hàng không hoặc đại lý chính thức. Những trang này thường chạy quảng cáo với thông điệp hấp dẫn như: “vé hot chỉ từ 199.000 đồng”, “giá sốc chưa từng có”, “số lượng có hạn” để đánh vào tâm lý người tiêu dùng, đặc biệt là các nhóm mua vé số lượng lớn cho cơ quan, đoàn thể với mục tiêu hưởng chênh lệch.
Sau khi nạn nhân đặt mua, đối tượng yêu cầu chuyển khoản gấp để “giữ chỗ”, kèm theo lý do hệ thống lỗi, cần xác minh lần nữa. Có trường hợp chúng gửi mã vé giả, đến sân bay mới phát hiện không có giao dịch tồn tại, lúc này người mua vừa mất tiền, vừa lỡ hành trình.
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng trước các lời mời chào mua vé máy bay giá rẻ bất thường. Một số dấu hiệu nhận diện lừa đảo: Giá rẻ bất hợp lý, đi kèm yêu cầu “chuyển tiền ngay để giữ chỗ”; không cung cấp hóa đơn, chứng từ hợp lệ; chỉ nhận thanh toán qua tài khoản cá nhân, không phải tài khoản công ty hoặc qua cổng thanh toán chính thức; giao diện fanpage, website dễ làm giả, có thể tương tác cao nhưng không kiểm chứng được tính xác thực.
Để đảm bảo an toàn khi mua vé máy bay dịp cao điểm lễ tết, Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị cuốn vào các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng. Khi phát hiện bị lừa, người dân cần trình báo ngay cho Công an gần nhất hoặc liên hệ đường dây nóng để được hỗ trợ xử lý.