Lật tẩy nhiều thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn vụ lợi

Là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện KSND hai cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Vai trò của Viện KSND hai cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ được thể hiện qua việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan kiểm sát phối hợp với lực lượng công an khởi tố 16 vụ án tham nhũng, chức vụ với tổng số 27 bị can (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021). Tập trung ở các tội tham ô tài sản; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, quản lý nhà nước về đất đai, tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng quy định.

Các bị cáo phạm tội liên quan đến Công ty TNHH Wonjin Vina tại phiên tòa.

Các bị cáo phạm tội liên quan đến Công ty TNHH Wonjin Vina tại phiên tòa.

Nguyên nhân dẫn đến gia tăng tội phạm tham nhũng, chức vụ là do công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn thiếu sót; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao; cơ chế quản lý tài sản của Nhà nước chưa chặt chẽ, đồng bộ; có thời điểm công tác thanh tra chưa thường xuyên; mặt trái của nền kinh tế thị trường…

Nổi bật như vụ việc bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (SN 1983) ở phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) là kế toán trưởng Công ty TNHH Wonjin Vina bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Tham ô tài sản”. Khó khăn trong vụ án này là số lượng bị cáo đông (11 người), ban đầu một số bị cáo quanh co. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kiểm sát viên đã trực tiếp lấy lời khai, thu thập chứng cứ, tài liệu và chứng minh được bị cáo Hương mua 548 số hóa đơn trái phép. Sau đó, bị cáo lập khống hồ sơ thanh toán và chuyển hơn 33,7 tỷ đồng từ tài khoản của công ty đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh xuất hóa đơn khống cho mình, chiếm đoạt hơn 30,8 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc này, cơ quan chức năng tiếp tục đấu tranh, làm rõ hai bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (SN 1975) ở phường Hoàng Văn Thụ và Lưu Thị Hằng (SN 1986) ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) là cán bộ Cục Thuế tỉnh Bắc Giang đã “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng. Tại phiên tòa hồi cuối năm 2022, đại diện Viện KSND tỉnh thực hành tốt quyền công tố, đánh giá rõ hành vi phạm tội.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan kiểm sát phối hợp với lực lượng công an khởi tố 16 vụ án tham nhũng, chức vụ với tổng số 27 bị can (tăng 4 vụ, giảm 9 bị can so với cùng kỳ năm 2021). Tập trung ở các tội tham ô tài sản; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…

Ngoài ra, Viện KSND hai cấp còn phối hợp làm rõ một số vụ án tham nhũng, chức vụ phức tạp khác như: Vụ án đối tượng Nguyễn Thị Hải Lý (SN 1974) ở xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) là nhân viên Văn phòng Dự án Bắc Giang thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tiến Bộ (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) thu tiền hỗ trợ của nhiều khách hàng được Nhà nước hỗ trợ tái định cư và chiếm đoạt gần 17 tỷ đồng. Vụ án liên quan đến Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp và Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Việt Yên có 4 bị cáo vừa phải hầu tòa vì phạm các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hình phạt là 17 năm 6 tháng tù…

Từng tham gia giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ, ông Nguyễn Tiến Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và xét xử sơ thẩm án kinh tế - chức vụ (Viện KSND tỉnh) cho rằng, mỗi kiểm sát viên phải gắn hoạt động công tố với điều tra; theo sát, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án; nghiên cứu hồ sơ thận trọng; kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, đề xuất, báo cáo lãnh đạo đơn vị hướng xử lý và ra các quyết định giải quyết có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, nhất là các vụ việc thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, đôn đốc.

Vai trò của ngành kiểm sát trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chức vụ còn được thể hiện qua việc chủ động kiến nghị với cấp có thẩm quyền đề ra các biện pháp khắc phục thiếu sót trong quản lý KT-XH, phòng ngừa tội phạm tham nhũng. Ngay như vụ án liên quan đến Công ty TNHH Wonjin Vina và Công ty TNHH Vina Solar Technology (trên địa bàn huyện Việt Yên), hai doanh nghiệp này đều tổ chức cho công nhân làm thêm giờ vượt định mức từ 200 đến 300 giờ/người/năm là trái quy định của pháp luật. Cuối năm 2022, Viện trưởng Viện KSND tỉnh đã ban hành kiến nghị tới Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị đơn vị chỉ đạo công tác hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về lao động...

Ông Nguyễn Trường Thọ, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho hay, tội phạm tham nhũng, chức vụ thường có hành vi vi phạm trong thời gian dài; thủ đoạn đan xen với chức năng, nhiệm vụ được giao; khi bị phát hiện đối tượng thường tiêu hủy chứng cứ, tài liệu, tẩu tán tài sản. Đấu tranh với loại tội phạm này, ngành kiểm sát có mặt ở tất cả các khâu nên trách nhiệm, yêu cầu ngày càng cao. Vì thế, quá trình giải quyết phải làm tốt ngay từ khâu tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm đến thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/399365/lat-tay-nhieu-thu-doan-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-vu-loi.html