Lật tẩy những quái chiêu lừa đảo dụ mua nhà đất khách ôm hận sập bẫy

Nhà đất có giá trị lớn, nhiều người phải tích cóp rất lâu mới đủ tiền để mua. Thế nhưng nếu không cảnh giác, người mua rất dễ bị lừa, tiền mất tật mang bởi những 'màn kịch' tinh vi.

Một ngôi nhà, miếng đất bán cho nhiều người

Đánh vào tâm lý chủ quan, nôn nóng của người đi mua nhà, đất, nhiều cá nhân đã có chủ đích lừa đảo bán một căn nhà, miếng đất cho nhiều người để chiếm đoạt tiền của họ.

Người mua cần tỉnh táo trước khi đặt cọc

Người mua cần tỉnh táo trước khi đặt cọc

Trường hợp một sổ đỏ lừa bán cho nhiều người như trên thường xảy ra khi người bán có những khoản nợ vượt ngoài khả năng trả nên muốn rao bán nhà đất nhưng chỉ muốn người mua đặt cọc trước một khoản tiền. Mặt khác, người mua có thể do nhận thức pháp luật hạn chế, tâm lý hám rẻ, vì lợi ích trước mắt nên bỏ qua quy trình, thủ tục chuyển nhượng đất đai.

Để tránh rơi vào tình huống này, người mua cần tỉnh táo vào yêu cầu người bán xuất trình trước bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi đặt cọc. Người mua nên đặt cọc số tiền không quá 10% giá trị chuyển nhượng nhà đất và thời gian từ khi đặt cọc đến khi các bên tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng tối đa không quá 1 tháng. Khi phát hiện bị lừa bán một sổ đỏ cho nhiều người để chiếm đoạt tiền cọc, người mua nên tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này đến cơ quan công an, đề nghị điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự bên bán khi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng

Đây là hình thức lừa đảo mua bán nhà đất xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Lợi dụng sự hiểu sai của người mua về hình thức lập vi bằng, các đối tượng bán cho khách hàng đất xấu, phân lô trái phép, đất không đủ pháp lý thông qua hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay với lời cam kết an tâm vì đã có vi bằng do cơ quan thừa phát lại cấp. Nếu mua bán theo hình thức này, người mua sẽ gặp rủi ro rất lớn, có thể bị lừa trắng tay.

Vi bằng không phải là hợp đồng mua bán nhà đất

Vi bằng không phải là hợp đồng mua bán nhà đất

Về bản chất, vi bằng không phải là hợp đồng hay giao dịch. Vi bằng là văn bản do cơ quan thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác chứ không phải là đại diện pháp lý cho việc mua bán nhà đất.

Mọi hoạt động mua bán nhà đất đều phải thực hiện qua hợp đồng mua bán nhà đất được công chứng và có thể yêu cầu lập vi bằng để ghi nhận việc bàn giao tiền, tài sản, ghi nhận hiện trạng tài sản. Vi bằng chỉ có ý nghĩa để làm chứng cứ nếu xảy ra tranh chấp về mua bán nhà đất sau này chứ không có giá trị như hợp đồng mua bán nhà đất.

Đánh tráo sổ đỏ thật để bán nhà đất

Thủ đoạn của các đối tượng này là thu thập các thông tin về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được rao bán trên mạng Internet. Sau đó, chúng giả danh là người môi giới, liên lạc với những người đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xem giấy tờ có liên quan như sổ đỏ, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu…. Trong lúc chủ đất sơ hở, các đối tượng sẽ đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng giấy tờ giả. Tiếp đó các đối tượng sẽ làm giả hồ sơ để bán chính những mảnh đất trong giấy tờ vừa đánh tráo được.

Khi gặp khách, các đối tượng sẽ cho người mua xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật và giấy các giấy tờ có liên quan để trao đổi, thỏa thuận giá cả mua bán. Sau đó, tiến hành chuyển nhượng tại phòng công chứng và chiếm đoạt tiền của người mua.

Người mua chỉ biết bị lừa khi gặp chủ đất thật sự hoặc mảnh đất đã được "đóng băng" khi chủ đất nhận ra giấy tờ bị đánh tráo.

Sắm nhiều vai để đẩy giá lên cao

Chiêu lừa này thường khiến người mua bị "hớ", tức mua mảnh đất/ngôi nhà với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực và giá thị trường. Thậm chí, nhà/đất đã mua còn có thể bị vướng mắc về pháp lý.

Nhà bị đẩy giá cao hơn giá trị thực khiến người mua bị "hớ"

Nhà bị đẩy giá cao hơn giá trị thực khiến người mua bị "hớ"

Thủ đoạn của những kẻ này thường là khi bạn đang lưỡng lự có nên mua mảnh đất/ngôi nhà đó hay không vì thấy giá cao hơn giá thị trường, thì bỗng có người tìm đến bạn, hỏi mua chính mảnh đất/ngôi nhà đó với giá cao hơn rất nhiều so với giá bạn định mua. Người này còn sốt sắng, sẵn sàng cọc tiền để sớm thực hiện giao dịch.

Vì tin ngôi nhà/mảnh đất đó bán lại ngay sẽ có món lợi nhuận cao, bạn sẽ lập tức chồng tiền mua, trong khi chưa có thời gian để thực hiện đúng các bước "kiểm định" pháp lý theo quy trình. Cuối cùng, bạn rơi vào cái bẫy của người bán và người mua "ảo" kia.

Đăng Duy (Tổng hợp)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/nhung-quai-chieu-lua-dao-du-mua-nha-dat-khach-om-han-sap-bay-687941.html