Lật tẩy thủ đoạn ký gửi, chuyển phát qua đường hàng không để vận chuyển ma túy
Tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát qua đường hàng không ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng công an triệt phá, bắt giữ. Thời gian qua, nhiều vụ án phát hiện thu giữ tang vật lên đến hàng tạ ma túy nhưng không bắt được đối tượng do kẻ chủ mưu cầm đầu gửi từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng bị động đã bỏ lại thành vô chủ.
Những kiện hàng “đặc biệt”
Nội Bài là cảng hàng không quốc tế lớn nhất của miền Bắc, phục vụ chính cho Thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận. Với tần suất các chuyến bay quốc tế (chiều đi và đến) lên tới hơn 860 chuyến/tuần, trung bình mỗi năm có khoảng 4 triệu lượt khách và 600.000 tấn hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Với chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, các quy định của pháp luật về thủ tục nhập cảnh được thông thoáng hơn, số lượng người xuất nhập cảnh ngày càng tăng, đa dạng về thành phần, thì đây là điều kiện thuận lợi để tội phạm lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam, qua địa bàn Hà Nội để rồi trung chuyển đi các tỉnh, thành phố hoặc thậm chí các quốc gia khác.
Ngày 23-3-2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện 1 kiện hàng được gửi từ Hà Lan về Việt Nam qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nghi vấn bên trong có ma túy (khoảng 40kg). Thông tin người nhận tại Hà Nội được ghi là Hoàng Tiến Phát có địa chỉ tại ngõ 81 đường Nguyễn Quý Trị, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Qua trinh sát, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định thông tin ghi trên kiện hàng là giả, người nhận số ma túy này thực tế là Hoàng Tiến Dũng (SN 1996, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên).
Trinh sát cũng xác định ngoài kiện hàng trên, Dũng sắp nhận thêm một kiện hàng nữa gửi từ nước ngoài về là 10 thùng bia, bên trong có cất giấu ma túy. Do đó, cơ quan công an đã trao đổi thông tin với Đội Kiểm soát phòng chống ma túy (Cục Hải quan Hà Nội) đề nghị tiếp tục phối hợp, tiến hành soi chiếu có trọng điểm hàng hóa từ các nước châu Âu về Việt Nam để truy tìm kiện hàng nghi vấn. Đồng thời, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng giám sát chặt chẽ Dũng, cử 1 tổ công tác vào TP.HCM để phối hợp với công an địa phương có phương án theo dõi di biến động những đối tượng khác trong đường dây.
Ngày 24-4-2023, qua công tác soi chiếu, Hải quan đã phát hiện kiện hàng 10 thùng bia được gửi từ Cộng hòa Séc về Việt Nam có thông tin người nhận là Nguyễn Chiến Thắng, địa điểm nhận hàng tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội (nghi vấn là kiện hàng cất giấu ma túy sẽ được gửi cho Hoàng Tiến Dũng). Theo dõi đường đi của kiện hàng này, cơ quan công an nắm được chúng được vận chuyển về Hưng Yên cho đối tượng Lê Thị Huyến (là vợ của Hoàng Tiến Dũng, trú tại Yên Mỹ, Hưng Yên). Khoảng 16h25 ngày 4-5-2023, khi Huyến vận chuyển 10 thùng bia có giấu số ma túy nói trên đến khu vực xã Hưng Long, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) thì bị tổ công tác của Ban chuyên án kiểm tra bắt giữ. Tang vật thu giữ tại chỗ là 19,884kg ma túy tổng hợp các loại.
Trước đó, ngày 21-2-2023, Phòng Cảnh sát điều tra về ma túy (CATP Hà Nội) đã bắt giữ Nguyễn Chí Nguyên (SN 1999, trú tại số 2A ngõ 392 Kim Giang, Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) làm dịch vụ nhận hàng chuyển từ Ba Lan về Hà Nội qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài theo phương thức ký gửi, sau đó đi giao theo địa chỉ được đối tượng ở nước ngoài chỉ định, vật chứng thu giữ là 105,3kg ma túy tổng hợp.
Chặn nguồn ma túy thẩm lậu
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Hà Nội hiện có trên 1.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát, bưu chính, vận tải hàng hóa. Đây có thể là nơi các đối tượng tội phạm lợi dụng kẽ hở để thuê vận chuyển ma túy. Trong khi đó, phương thức lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước trong những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng hình thành đường dây khép kín, có thủ đoạn tinh vi và không trực tiếp đứng ra giao nhận hàng hóa, gây nhiều khó khăn cho công tác giám sát, phát hiện, bắt giữ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, các đối tượng triệt để lợi dụng các chính sách thuận lợi trong hoạt động xuất nhập cảnh, nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa cá nhân để vận chuyển ma túy.
Để đấu tranh quyết liệt và hiệu quả tội phạm ma túy, CATP Hà Nội đã chủ động nhiều biện pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển để đánh chặn ma túy từ xa, triệt nguồn cung vào Việt Nam. Cùng với đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyển phát trong nước để hiệu quả việc kiểm soát hàng hóa. CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 422 để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện, xã chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy liên quan đến dịch vụ chuyển phát, bưu chính, vận tải hàng hóa.
Với tinh thần chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 442 đến nay, CATP Hà Nội đã phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội và các đơn vị chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 35 vụ với 57 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường chuyển phát quốc tế vào Việt Nam, thu giữ hơn 931,53kg ma túy tổng hợp các loại (so với 3 năm liền kề trước thời điểm thực hiện Kế hoạch 422 (2018 - 2020), tăng 11 vụ, tăng 28 đối tượng). Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã đấu tranh, bắt giữ 15 vụ với 29 đối tượng, thu giữ hơn 658,7kg ma túy tổng hợp các loại (chiếm 34,1% số vụ, 51,8% số đối tượng bị bắt giữ trong 5 năm liền kề trước đó). Kết quả trên đã góp phần ngăn chặn nguồn cung ma túy rất lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao.