Lật tẩy thủ đoạn tinh vi đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy xuyên quốc gia

Không chịu tu chí làm ăn, các đối tượng đã thực hiện hàng loạt vụ trộm cắp xe máy tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sau khi gây án, chúng nhanh chóng chuyển tang vật vào TP Hồ Chí Minh để đối tượng cầm đầu Lý Nhật Quý Cường tiêu thụ. Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, đường dây này hoạt động với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, kín kẽ.

Thủ đoạn tinh vi

Lý Nhật Quý Cường (sinh năm 1998) sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ những năm đầu THCS, Cường đã sớm bộc lộ tính cách bướng bỉnh, ham chơi, lười học. Dù đã được gia đình hết sức khuyên bảo, răn đe, thầy cô tận tình động viên, uốn nắn, nhưng Cường vẫn bỏ ngoài tai mọi lời can ngăn. Chưa học hết lớp 7, Cường bỏ học, lao vào cuộc sống lang bạt, tụ tập cùng nhóm thanh niên lêu lổng, bất hảo trong vùng.

Không học hành, không nghề nghiệp, Cường càng lún sâu vào các tệ nạn xã hội, rồi trượt dài trên con đường vi phạm pháp luật. Để có tiền tiêu xài, Cường nảy sinh ý định hình thành đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe máy liên tỉnh. Dù còn khá trẻ, song Cường đã thể hiện rõ sự lọc lõi, tinh vi của mình trong vai trò tổ chức và điều hành cả đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy kín kẽ, tinh vi.

Đối tượng Nguyễn Đình Sơn tại Cơ quan Công an, thời điểm mới bị bắt.

Đối tượng Nguyễn Đình Sơn tại Cơ quan Công an, thời điểm mới bị bắt.

Cường tạo các tài khoản ảo, đăng bài mua bán xe trộm cắp vào các hội nhóm như “xe mô tô không có giấy tờ miền Bắc”, “mua bán xe KGT miền Bắc”... Theo đó, các đối tượng trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy trộm cắp do Cường cầm đầu đều không biết nhau và không biết mặt Cường, tất cả hoạt động trao đổi thông tin đều diễn ra trên không gian mạng mà Cường là người trực tiếp điều hành.

Các đối tượng sau khi trộm được xe máy sẽ chụp ảnh, gửi số khung, số máy cho Cường để “làm giá”. Tùy loại xe, giấy tờ xe mà Cường đưa ra mức giá khác nhau. Để qua mắt cơ quan chức năng và thuận tiện cho việc vận chuyển, Cường chịu trách nhiệm làm giấy tờ giả tạo vỏ bọc hợp pháp cho những chiếc xe trộm cắp. Sau đó, Cường hướng dẫn các đối tượng trộm cắp gửi xe đến các bãi tập kết do Cường quản lý. Riêng khu vực Nghệ An, xe máy trộm cắp được chuyển đến bãi gửi tại ngã tư xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên.

Đối với những xe máy bị dùng vam phá khóa, Cường liên hệ với thợ sửa chữa xe làm lại các ổ khóa. Để thợ sửa không nghi ngờ xe trộm cắp, Cường nói đây là những xe được mua của “công an bán thanh lý”. Với mỗi xe sửa khóa thành công, Cường trả phí cho thợ 200.000 đồng. Sau khi “làm đẹp” cho những chiếc xe trộm cắp, Cường thuê Nguyễn Đức Vũ (sinh năm 2003, trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) tập kết và vận chuyển xe vào TP Hồ Chí Minh. Với mỗi xe máy, Cường trả cho Vũ 400.000 đồng.

Từ tháng 4 đến tháng 5/2024, Vũ tập kết và vận chuyển 18 xe máy trị giá hơn 285 triệu đồng do các đối tượng trộm cắp được vào TP Hồ Chí Minh cho Cường. Quá trình vận chuyển xe trộm cắp từ Bắc vào Nam, Cường yêu cầu Vũ ẩn danh thông tin người gửi và người nhận; chỉ ghi số điện thoại người nhận là Cường và số điện thoại nhà xe nhận hàng, ký gửi. Sau đó, Cường trực tiếp gọi điện cho các nhà xe để theo dõi, hướng dẫn việc bốc dỡ hàng.

Đối tượng Lý Nhật Quý Cường tại Cơ quan Công an.

Đối tượng Lý Nhật Quý Cường tại Cơ quan Công an.

Theo cáo trạng, Lý Nhật Quý Cường đã mua 35 chiếc xe máy trị giá 491 triệu đồng. Trong số đó, 14 chiếc đã được Cường bán cho Nguyễn Vũ Lên (sinh năm 1994, trú tại xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) với số tiền hơn 206 triệu đồng, thu lời bất chính 47,7 triệu đồng. Mặc dù biết rõ số xe mà Cường bán cho mình là do trộm cắp mà có, nhưng vì hám lợi nên Lên vẫn đồng ý mua. Số xe này sau đó được Lên bán lại cho một người đàn ông tên Phên ở Campuchia (không rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể).

Trong vụ án này, Danh Vàng Linh (sinh năm 2002, trú tại phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) là đối tượng giúp người đàn ông tên Phên nhận và tập kết xe từ các đầu mối bán xe người Việt Nam trước khi đưa qua biên giới Campuchia.

Đáng chú ý, nhiều mắt xích trong đường dây trộm cắp này đều là những đối tượng bỏ học từ sớm, từng có tiền án, tiền sự, nhiều lần ra tù vào tội. Các đối tượng này dù nhiều lần phải sống cảnh “cơm tù, áo số” nhưng khi ra tù vẫn không chí thú làm ăn, “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục hành nghề đạo chích, bất chấp pháp luật. Trong đó, Nguyễn Đình Sơn (sinh năm 1989, trú tại xã Tân Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) từng 3 lần ngồi tù về tội trộm cắp tài sản.

Trong các năm 2010, 2013 và 2017, Sơn lần lượt lĩnh các mức án 33 tháng tù, 40 tháng tù và 3 năm 4 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tham gia đường dây do Cường cầm đầu, từ khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 5/2024, Nguyễn Đình Sơn đã thực hiện 20 vụ trộm cắp xe máy tại các huyện thuộc tỉnh Nghệ An như: Nghi Lộc, Diễn Châu và TP Vinh... Thủ đoạn của Sơn là lợi dụng sự sơ hở của chủ xe rồi nhanh chóng tiếp cận, dùng vam phá khóa, trộm xe rồi tẩu thoát.

Trong vòng 10 năm (2007-2017), đối tượng Lê Đình Giang (SN 1989, trú tại xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) từng 4 lần bị TAND các cấp xử phạt tù về tội trộm cắp tài sản. Trong đó, bản án cao nhất mà Giang từng nhận là 4 năm tù giam (chấp hành xong hình phạt năm 2021). Tham gia đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy do Lý Nhật Quý Cường cầm đầu, đối tượng này đã thực hiện hành vi trộm cắp 11 xe máy (trị giá hơn 194 triệu đồng). Hay, như đối tượng Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1987, trú tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cũng từng 4 lần bị xử phạt án tù và đưa vào cơ sở giáo dục vì tội trộm cắp tài sản. Đối tượng này thực hiện hành vi trộm cắp 6 xe máy (trị giá hơn 112 triệu đồng) để bán cho Lý Nhật Quý Cường.

Đối tượng Bùi Trọng Quốc (sinh năm 1993, trú tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) cũng chỉ học đến lớp 8, rồi bỏ nhà tụ tập với đám bạn bè lêu lổng, ăn chơi. Sau 4 lần chấp hành án phạt tù về tội trộm cắp tài sản, ra tù, Quốc tiếp tục vi phạm pháp luật khi thực hiện trộm cắp 3 xe máy (trị giá 81 triệu đồng) tại nhiều địa phương.

Đường dây trộm cắp xe máy xuyên quốc gia này còn có sự tham gia của nhiều đối tượng khác. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 5/2024, Thái Xuân Đức (sinh năm 2003, trú tại xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã trộm cắp 14 xe máy (trị giá hơn 144 triệu đồng); Lê Khắc Dũng (sinh năm 1988, trú tại xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đã thực hiện 2 vụ trộm xe máy (trị giá hơn 19 triệu đồng); Phạm Bá Quyền (sinh năm 1989, trú tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) trộm cắp 7 xe máy (trị giá hơn 106 triệu đồng)...

Trả giá

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Lý Nhật Quý Cường, Nguyễn Đình Sơn, Thái Xuân Đức, Lê Khắc Dũng, Lê Đình Giang, Nguyễn Văn Cường, Phạm Bá Quyền, Bùi Trọng Quốc, Nguyễn Đức Vũ về tội trộm cắp tài sản. Riêng 2 bị cáo Nguyễn Vũ Lên và Danh Vàng Linh bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tang vật vụ án.

Tang vật vụ án.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và thể hiện sự ăn năn, hối lỗi. Là đối tượng chủ mưu, bị cáo Lý Nhật Quý Cường khai biết Nguyễn Vũ Lên là người chuyên mua bán xe máy đã qua sử dụng nên liên hệ. Hai bên trao đổi, giao dịch và thống nhất rằng, đối với các xe không có giấy tờ, Cường phải chịu trách nhiệm xử lý khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Sau khi tìm được “đầu ra”, Cường lên các hội nhóm kín trên mạng xã hội đăng tin mua xe trộm cắp. Chỉ trong thời gian ngắn, Cường đã kết nối với nhiều đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, thực hiện hàng loạt vụ trộm xe máy của người dân. Khi được nói lời nói sau cùng, các bị cáo đều xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, làm lại cuộc đời.

Đại diện hội đồng xét xử phân tích: từ nhiều vụ án được bóc gỡ, từ các phiên tòa được xét xử, có thể thấy một thực tế đáng lo ngại là nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tài sản cá nhân. Không ít trường hợp để xe máy trong sân, ngoài ngõ, thậm chí không khóa cổ, không khóa càng... Chính sự bất cẩn ấy đã vô tình tạo điều kiện cho tội phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, thông qua phiên tòa, hội đồng xét xử khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, luôn khóa xe cẩn thận, tránh để xe ở những nơi vắng vẻ, không có người trông coi...

Ngoài ra, không nên mua bán, sử dụng xe máy không rõ nguồn gốc để tránh tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ tài sản phạm pháp và có thể bị xử lý hình sự. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến trộm cắp, người dân cần nhanh chóng liên hệ với Cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời trình báo, hỗ trợ công tác điều tra, xử lý.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Các bị cáo tại phiên xét xử.

Đối với các đối tượng gây án, dù thủ đoạn có tinh vi đến đâu thì cũng không thể thoát khỏi lưới pháp luật. Những bản án nghiêm minh không chỉ là sự răn đe, trừng trị thích đáng dành cho những kẻ coi thường pháp luật mà còn là lời cảnh tỉnh, bài học cho những ai đang còn mơ tưởng kiếm tiền nhanh bằng con đường phạm pháp.

Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lý Nhật Quý Cường 13 năm tù; bị cáo Nguyễn Đình Sơn 10 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Cũng với tội danh trên, bị cáo Nguyễn Đức Vũ lĩnh án 7 năm tù; Thái Xuân Đức và Lê Đình Giang 6 năm tù; Nguyễn Văn Cường 5 năm tù; Phạm Bá Quyền 4 năm, 6 tháng tù; Bùi Trọng Quốc 4 năm tù; Lê Khắc Dũng 9 tháng tù. Với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bị cáo Nguyễn Vũ Lên lĩnh án 5 năm tù, Danh Vàng Linh 3 năm tù được hưởng án treo.

Phương Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/lat-tay-thu-doan-tinh-vi-duong-day-trom-cap-tieu-thu-xe-may-xuyen-quoc-gia-i767494/