Lật tẩy toan tính thâm hiểm phủ nhận kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Cho dù các thế lực thù địch, chống phá tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận song không thể bác bỏ được thực tế hiển nhiên là những kết quả quan trọng đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân.
Đủ thủ đoạn chống phá, xuyên tạc, bóp méo
Càng gần tới thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm tới, những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng gia tăng trên tất cả lĩnh vực từ chính trị - tư tưởng cho tới kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Điều đó cũng không có gì lạ khi mỗi dịp Đại hội Đảng vì chúng luôn muốn phủ nhận những thành tựu mà Đảng, đất nước và nhân dân ta đạt được, phủ nhận thành tựu dưới sự lãnh đạo của Đảng hòng từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện diễn biến hòa bình đòi thay đổi chế độ, đa nguyên, đa đảng.
Trong những thành tựu nổi bật đạt được trong nhiệm kỳ từ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới nay, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân. Thế nên, không ngạc nhiên khi thấy các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị tập trung chống phá cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Chúng đã giở đủ giọng điệu xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo… để chống phá công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo. Lợi dụng việc dư luận xã hội bức xúc về tệ nạn tham nhũng, tiêu cực và công tác quản lý kinh tế trong khi công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tham nhũng của Đảng còn những mặt hạn chế, khuyết điểm, những thế lực thù địch, chống phá đã đưa ra luận điểm cho rằng “Đảng độc tôn lãnh đạo không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công”.
Chúng rêu rao, tham nhũng là căn bệnh kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền; do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công; đã nhiều lần phát động chống tham nhũng, nhưng đều không thành công, tệ nạn lại càng gia tăng... Từ đó, chúng lớn tiếng “phán” rằng, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công” (?!).
Cùng với đó, các thế lực, phản động cũng tìm cách để xuyên tạc, bóp méo công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ sai phạm ở nước ta. Chúng lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ, phe cánh chính trị”.
Việc xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả những người từng giữ cương vị rất cao là minh chứng cho quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân đối với Đảng trong cuộc chiến chống nội xâm. Thế nhưng, chúng vẫn cố tình quy chụp đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo”. Và cuối cùng, chúng tự lộ mục đích chống phá xấu xa phủ nhận vai trò, sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng khi trắng trợn quy kết rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống được tham nhũng”.
Những thành tựu làm tăng cường niềm tin của nhân dân
Chúng ta thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội; tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Thế nhưng, cũng phải khẳng định là những năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, từ khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng tới nay, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trực tiếp, thường xuyên của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng trong Đảng và hệ thống chính trị được thể hiện rõ qua văn kiện Đại hội Đảng, qua các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng... Theo đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo, trên tinh thần nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc; không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trong công tác phòng và chống tham nhũng, tiêu cực, việc đưa ra xét xử nhiều vụ án về tham nhũng kinh tế; việc khởi tố, xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên; trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý…, nhất là tại nhiệm kỳ XII đã minh chứng cho chủ trương và hành động quyết liệt của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng.
Những kết quả quan trọng trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay được truyền tải kịp thời, đầy đủ trên các cơ quan truyền thông không chỉ khẳng định quyết tâm kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong hệ thống chính trị mà còn góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng được trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò tiền phong.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, với 13 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã diễn ra, trong đó có đến 6 Hội nghị Trung ương (6, 7, 8, 9, 11 và 12) có nội dung xử lý, kỷ luật cán bộ sai phạm, gần 60.000 cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật. Trong số 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật có cả Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nguyên Phó Thủ tướng; Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng; Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Bí thư Tỉnh ủy...
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, từ năm 2013 đến nay, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi được hơn 22.659 tỷ đồng (chiếm 26,7% tổng số tiền phải thi hành). Riêng năm 2020, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá hơn 3.851 tỷ đồng, 16,858 triệu USD, 17.248.621 cổ phiếu, 51 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác; cơ quan thi hành án dân sự thu hồi 14.017 tỷ đồng, bằng 61%.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân. Hay nói cách khác, chính kết quả rất quan trọng này đã làm thất bại toan tính thâm hiểm phủ nhận công cuộc chống tham nhũng hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta.