Latvia: Cần cải cách, đổi mới lĩnh vực giáo dục

Sau khi thực hiện cuộc kiểm toán nhằm đánh giá hoạt động của Bộ Giáo dục và Khoa học (MES), Kiểm toán nhà nước Latvia (SAO Latvia) kết luận, công tác đào tạo giáo viên nói riêng và các hoạt động của lĩnh vực giáo dục nói chung cần được củng cố và ngày càng đổi mới.

Nhiều trường học tại Latvia đang thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh: ST

Nhiều trường học tại Latvia đang thiếu giáo viên trầm trọng. Ảnh: ST

Nhiều bất cập

Trong quá trình kiểm toán, SAO Latvia đã tập trung đánh giá việc MES lập kế hoạch đào tạo giáo viên nhằm đảm bảo nguồn nhân sự ổn định, đồng thời phân tích những biện pháp MES thực hiện để giúp đội ngũ giáo viên gắn bó với nghề. SAO Latvia cũng tiến hành một cuộc khảo sát hơn 300 giáo viên và sinh viên theo học ngành sư phạm.

Báo cáo của SAO Latvia cho thấy, có hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm mỗi năm và 81% trong số họ đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, 33% giáo viên trẻ đã rời khỏi ngành trong 5 năm làm việc đầu tiên khiến số lượng giáo viên đang thiếu tại nhiều nơi. SAO Latvia xác định những nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc lập kế hoạch đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế; hệ thống giáo dục chưa ổn định, nhất quán; nhiều giáo viên chưa được hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng và nhiều yếu tố khác liên quan đến việc hỗ trợ giảng dạy.

SAO Latvia cho rằng, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên không được lên kế hoạch hiệu quả. Việc MES lập kế hoạch hoạt động cho các cơ sở đào tạo được ngân sách nhà nước tài trợ không dựa trên dữ liệu đầy đủ và nhu cầu thực tế. Số giảng viên được đào tạo trong 6 năm qua không đáp ứng nhu cầu cho tất cả các môn học. Những hạn chế trong việc lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cũng gây ảnh hưởng đến cơ hội giáo viên được tuyển dụng.

Trong khi đó, số liệu về giáo viên nghỉ việc và nguyên nhân đã không được thu thập, phân tích để tìm ra biện pháp khắc phục kịp thời. Các giáo viên tham gia cuộc khảo sát bày tỏ, họ muốn nghỉ công tác trong năm học 2023-2024 vì hệ thống giáo dục thay đổi liên tục, tài liệu giảng dạy thiếu thốn, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, kế hoạch hoạt động chưa rõ ràng...

MES được phân bổ kinh phí lên tới 1,2 triệu euro hàng năm để nâng cao năng lực chuyên môn cho tối thiểu 8.000 giáo viên. Tuy nhiên thực tế, giáo viên chỉ nhận được một phần hỗ trợ nhỏ để tăng cường năng lực, nhu cầu thực tế về phát triển chuyên môn của giáo viên không được xác định rõ. Không những thế, ít nhất 85% số người được hỏi cảm thấy căng thẳng do thiếu tài liệu giảng dạy, không hài lòng về thù lao, không được học sinh và phụ huynh tôn trọng, áp lực cao về khối lượng công việc; chỉ 47% giáo viên được chi trả bảo hiểm y tế toàn phần. Thậm chí, 41% giáo viên bị bạo lực tinh thần tại nơi làm việc trong 2 năm qua.

Ngoài ra, cuộc kiểm toán phát hiện nhiều giáo viên phải làm việc gấp 2, 3, thậm chí 5 lần khối lượng công việc trong khi tiền lương bị chi trả chậm. Một số lớp học có số lượng học sinh ít đã bị gộp với nhau gây ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy và học tập. Nhiều địa phương báo cáo đã có kế hoạch cơ cấu lại mạng lưới trường học, tuy nhiên các kiểm toán viên cho biết, các kế hoạch này vẫn nằm trên giấy.

SAO Latvia cho biết, đến đầu tháng 6/2024, MES vẫn chưa xây dựng và đề xuất các quy định mới nhằm cải thiện điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Cần cải cách giáo dục bằng nhiều biện pháp

Mặc dù MES đã có một số hành động để giảm tình trạng thiếu hụt giáo viên nhưng hầu hết các biện pháp mới được thực hiện trong năm 2023-2024. Theo SAO Latvia, đó là sự chậm trễ đáng lo ngại trong tình trạng giáo viên thiếu hụt nghiêm trọng. Không những thế, một số biện pháp chưa được cân nhắc kỹ lưỡng và chưa mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, SAO Latvia cho rằng, các khóa đào tạo đã được triển khai chưa được đánh giá đầy đủ về số lượng, chất lượng. Trong cuộc khảo sát trên, chỉ 31% giáo viên cho biết các khóa học trong 3 năm qua đáp ứng được nhu cầu của họ và giúp họ cải thiện năng lực. 53% giáo viên cho rằng, các khóa học không giúp họ cải thiện năng lực do chất lượng đào tạo thấp, thời gian ngắn hoặc các chủ đề không đáp ứng được nhu cầu.

Bà Inese Kalvāne, thành viên SAO Latvia cho rằng: “Nguồn nhân lực ngành giáo dục là tài sản quý, cần được quan tâm, giữ gìn và phát triển. Thật đáng tiếc khi công tác quản lý, đào tạo giáo viên tại MES chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa khuyến khích đội ngũ giáo viên trẻ gắn bó với nghề”.

SAO Latvia đã đưa ra các khuyến nghị kiểm toán giúp MES xây dựng một hệ thống hiệu quả để lập kế hoạch và nâng cao chất lượng công tác đào tạo giáo viên, giúp hỗ trợ chuyên môn, cải thiện mức lương và cân bằng khối lượng công việc; đồng thời, xây dựng một mạng lưới các cơ sở giáo dục hoạt động bền vững hơn./.

(Theo SAO Latvia và tổng hợp)

YẾN NHI

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/latvia-can-cai-cach-doi-moi-linh-vuc-giao-duc-34525.html