Lầu Năm Góc chính thức xác nhận lý do dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Theo tờ Kyiv Independent, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell ngày 2.7 đã chính thức lên tiếng xác nhận một số gói viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị tạm dừng trong thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành rà soát việc cung cấp viện trợ nước ngoài.

Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
“Cuộc rà soát năng lực này... được thực hiện nhằm đảm bảo viện trợ quân sự của Mỹ phù hợp với các ưu tiên quốc phòng của chúng ta... Chúng tôi coi đây là bước đi hợp lý, thực tế để thiết lập khuôn khổ đánh giá loại đạn dược nào sẽ được gửi đi và gửi đi đến đâu”, ông Parnell cho biết.
Trước đó, Nhà Trắng cũng xác nhận việc tạm dừng bàn giao các lô hàng viện trợ cho Ukraine khi viện dẫn lý do cần đánh giá lại kho dự trữ quân sự của Mỹ trong bối cảnh xuất hiện các thông tin trên truyền thông về vấn đề này.
Theo một số nguồn tin, số vũ khí bị yêu cầu dừng chuyển giao cho Ukraine bao gồm khoảng 20 tên lửa phòng không Patriot, hơn 20 hệ thống phòng không Stinger, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire, thiết bị bay không người lái (UAV), và hơn 90 tên lửa không đối không AIM được Ukraine sử dụng để phóng từ tiêm kích F-16.
Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cho biết rằng số hàng viện trợ quân sự trên hiện đã ở Ba Lan, đang được chuẩn bị để chuyển giao cho Ukraine.
Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 01.2023, chính quyền Mỹ chưa thông qua bất kỳ gói gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, làm dấy lên những lo ngại nhất định đối với cả Kiev lẫn các đồng minh của nước này.
“Tại Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ của chúng tôi là theo đuổi chương trình nghị sự ‘Nước Mỹ trên hết’ của tổng thống và đảm bảo chúng tôi đạt được hòa bình thông qua sức mạnh trên toàn thế giới”, ông Parnell phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc.
Ông cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không cung cấp thông tin cập nhật về mốc thời gian, số lượng hoặc loại đạn dược chuyển giao cho Ukraine.
“Những gì chúng tôi đã làm tại Bộ Quốc phòng là xây dựng một khuôn khổ để phân tích loại đạn dược nào chúng tôi đang gửi đi và gửi đi đâu”, ông Parnell một lần nữa khẳng định về chính sách viện trợ quân sự của chính quyền Mỹ hiện nay.
Trong bối cảnh trên, một số nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã lên tiếng phản ứng quyết định tạm dừng giao vũ khí cho Ukraine.
“Chúng ta phải vừa xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của riêng mình tại Mỹ, vừa đồng thời cung cấp viện trợ cần thiết cho các đồng minh đang bảo vệ tự do của họ... Việc không thực hiện song song cả hai là điều không thể chấp nhận được”, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Brian Fitzpatrick, đồng chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ về Ukraine, cho biết.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, gọi việc tạm dừng viện trợ quân sự là “sai lầm và thậm chí có thể là thiếu chân thật”.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 02.07 cho biết ông hiểu rõ nhu cầu của Nhà Trắng trong việc bảo vệ năng lực quốc phòng của mình, nhưng nhấn mạnh Ukraine đang cần hỗ trợ liên tục một cách khẩn cấp. “Khi nói đến Ukraine, trong ngắn hạn, Ukraine không thể thiếu tất cả sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được”, ông Rutte khẳng định.
Ở chiều ngược lại, Điện Kremlin đã hoan nghênh quyết định này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng quyết định đình chỉ viện trợ cho Ukraine của Mỹ là một tín hiệu tích cực hướng tới chấm dứt xung đột.
“Theo chúng tôi được biết, nguyên nhân là do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Nhưng rõ ràng, càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm đi đến hồi kết”, ông Peskov nói.
Mỹ đã chuyển vũ khí phòng không và vũ khí chính xác đến Ukraine trong hơn hai năm qua thông qua hai luồng hỗ trợ khác nhau. Một số được rút từ các kho dự trữ hiện tại, đổi lại Bộ Quốc phòng Mỹ nhận kinh phí để bổ sung các loại đạn dược đó càng nhanh càng tốt.
Nguồn thứ hai đến từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, trong đó Washington tài trợ việc mua vũ khí cho Ukraine từ các công ty quốc phòng của Mỹ. Số tiền này được sử dụng để ký hợp đồng cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine.
Khoản tiền trong quỹ được cam kết chi hết vào giai đoạn cuối của chính quyền Tổng thống Biden, với tiến độ giao hàng phụ thuộc vào thời điểm các hệ thống sẵn sàng. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump vẫn rút từ kho vũ khí dự trữ, sử dụng gần hết số vũ khí trị giá 61 tỷ USD để bổ sung vũ khí và viện trợ thêm hàng tỷ USD cho Israel cùng các nước đối tác khác.
Theo BÌNH THANH/Báo Tin tức và Dân tộc
Link bài viết gốc