Lầu Năm Góc phủ nhận đã chuyển tên lửa phòng không NASAMS cho Ukraine
Lầu Năm Góc khẳng định quá trình chuyển giao các tên lửa NASAMS cho Ukraine vẫn chưa diễn ra và sớm nhất phải đến cuối năm nay.
Reuters dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc ngày 27/9 cho biết, Mỹ sẽ không chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến NASAMS cho Ukraine trước tháng 11 năm nay. Thông tin này được đưa ra sau khi Kiev phát đi thông tin đã nhận được tên lửa NASAMS từ Mỹ.
Trước đó, ngày 25/9, trong một cuộc phỏng vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong "Face the Nation", kênh CBS News dẫn lại ông Zelensky rằng Ukraine đã nhận được tên lửa NASAMS do Mỹ viện trợ.
Tuy nhiên sau đó CBS đã phải đính chính lại thông tin này khi biên tập viên của kênh truyền hình Mỹ hiểu sai ý của ông Zelensky, đồng thời sửa lại bản tin trên.
"Mỹ chưa chuyển giao NASAMS cho Ukraine trong giai đoạn này. Chúng tôi dự kiến hai đơn vị đầu tiên sẽ được chuyển giao trong vòng hai tháng tới", Chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói trong cuộc họp báo ngày 28/9.
Cho đến nay, Mỹ đã chấp thuận chuyển giao cho Ukraine tổng cộng 8 hệ thống NASAMS kèm tên lửa, 6 hệ thống còn lại sẽ được chuyển giao dần trong tương lai.
Tạp chí Không quân của Mỹ đã mô tả NASAMS là một phần công nghệ quan trọng có thể giúp lực lượng Ukraine bắn hạ tên lửa hành trình của Nga, mối đe dọa hiện hữu đối với quân đội Ukraine hiện tại.
NASAMS là hệ thống phòng không do Raytheon và hãng quốc phòng Kongsberg của Na Uy cùng phát triển và sản xuất. Theo Raytheon, hệ thống này gồm 3 bộ phận: radar AN/MPQ-64 Sentinel có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 180 km, tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) với tầm bắn từ 30 km đến 50 km và Trung tâm điều khiển hỏa lực (FDC).
Raytheon gọi các tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến này là "vũ khí chiếm ưu thế trên không đã được chứng minh qua chiến đấu hiện đại nhất thế giới". Nó đã tồn tại trong 3 thập kỷ và liên tục được nâng cấp với những thiết kế và khả năng mới.
Theo chính phủ Mỹ, số vũ khí này là một phần trong cam kết hỗ trợ an ninh trị giá hơn 15 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine kể từ khi Nga thưc hiện chiến dịch quân sự đặc biệt 24/2.
Vũ khí do phương Tây cung cấp rất quan trọng đối với Kiev khi nước này bắt đầu cuộc phản công ở Đông Bắc Ukraine vào đầu tháng 9.
Giao tranh bùng phát ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine trong ngày 27/9.
Tổng thống Zelensky cho biết khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phản công của Kiev, trong khi đó quân đội Nga cũng muốn kiểm soát toàn bộ vùng này.