Lầu Năm Góc quyết dập tắt tham vọng quân sự của Trung Quốc

Mỹ đang tìm cách phân bổ lại lực lượng để tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga, đồng thời không bỏ bê các vấn đề ở Trung Đông.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với câu hỏi hóc búa khi phải xem xét lại cách phân bổ lực lượng trên khắp thế giới.

Họ phải nghĩ cách tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga nhưng không lùi bước trước các mối đe dọa lâu đời ở Trung Đông. Và họ làm điều này với ngân sách quốc phòng có khả năng trở nên eo hẹp hơn.

Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh đánh giá "thế trận toàn cầu" của Mỹ. Lầu Năm Góc sẽ xem xét phương thức Mỹ có thể sắp xếp và hỗ trợ tốt nhất mạng lưới quân đội, vũ khí, căn cứ hải ngoại và liên minh để củng cố chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden.

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh đánh giá "thế trận toàn cầu" của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh đánh giá "thế trận toàn cầu" của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Đây là nỗ lực của chính quyền nhằm vạch ra phương hướng cho quân đội Mỹ. Lực lượng này vẫn đang vướng vào các cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, họ còn phải hoạt động với ngân sách hạn chế và giải quyết các vấn đề nội bộ như phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa cực đoan.

Thay đổi trong cách bố trí lực lượng

Kết quả đánh giá có thể tác động lâu dài đến ưu tiên hàng đầu của quân đội. Ưu tiên đó là sẵn sàng tham chiến trong thời đại việc kiểm soát vũ khí không được đảm bảo.

Ngoài ra, mối quan hệ với các đồng minh - từng xấu đi do chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump - cũng có thể bị tác động.

Đánh giá này cũng liên quan việc ông Biden đang trì hoãn quyết định thực hiện lời hứa rút hoàn toàn khỏi Afghanistan của chính quyền cũ.

Cũng như chính quyền Trump, nhóm quan chức an ninh quốc gia của ông Biden coi Trung Quốc là thách thức an ninh lâu dài số một, chứ không phải các phần tử cực đoan như al-Qaeda hay nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).

Song, không giống người tiền nhiệm, ông Biden thấy được giá trị to lớn của việc Mỹ giữ cam kết với các quốc gia châu Âu trong NATO.

Điều đó có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong bố trí lực lượng của quân đội Mỹ ở Trung Đông, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Biden cũng có thể sẽ chấp nhận việc các chỉ huy quân sự gần đây nỗ lực tìm những cách thức sáng tạo để triển khai lực lượng. Họ không muốn bị các căn cứ thường trực trói buộc. Các chỉ huy nhận thấy việc triển khai lực lượng thành các nhóm nhỏ với chu kỳ khó dự đoán hơn sẽ có lợi trong việc đối phó với Trung Quốc.

 Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill ngày 29/4/2020 thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill ngày 29/4/2020 thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Những dấu hiệu thay đổi đã xuất hiện từ trước khi ông Biden nhậm chức.

Tháng 12/2020, tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói lên quan điểm của mình rằng sự thay đổi về công nghệ và địa chính trị là lý do để xem xét lại cách thức tổ chức và phân bổ lực lượng.

Ông Milley nhận định sự tồn tại của lực lượng Mỹ sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố. Đó là khả năng thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự phổ biến của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, người máy và sự xuất hiện của các mối đe dọa khác thường như đại dịch và biến đổi khí hậu.

“Trong lương lai, kích thước càng nhỏ sẽ càng tốt. Một lực lượng nhỏ, gần như vô hình, không thể phát hiện, luôn di chuyển và có tầm hoạt động rộng là lực lượng có thể sống sót”, ông Milley phát biểu tại một hội nghị ở Washington. "Nếu không tồn tại được, bạn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ nào".

Bộ trưởng Quốc phòng Austin vào tháng trước đưa ra quan điểm tương tự và cụ thể hơn về cách bố trí lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương.

“Việc chúng ta cần một thế trận có khả năng phục hồi và phân tán hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối chọi với khả năng của Trung Quốc là điều không phải bàn cãi”, ông Austin viết trong bản trả lời những câu hỏi Thượng viện đặt ra trước phiên điều trần tại quốc hội vào tháng 1.

Bộ trưởng Austin cũng nêu ra lo ngại của mình về việc cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực.

“Nơi đây đang nhanh chóng trở thành một khu vực cạnh tranh địa chính trị. Tôi thực sự lo ngại về việc xây dựng lực lượng và hành vi của Nga ở Bắc Cực - và trên toàn thế giới”, ông Austin viết. “Tôi cũng quan ngại sâu sắc về các ý định của Trung Quốc trong khu vực”.

 Binh sĩ Nga đứng gác cạnh tổ hợp phòng không Pantsir-S1 trên đảo Kotelny, Nga. Ảnh: AP.

Binh sĩ Nga đứng gác cạnh tổ hợp phòng không Pantsir-S1 trên đảo Kotelny, Nga. Ảnh: AP.

Những điều này không có nghĩa là quân đội Mỹ phải từ bỏ các căn cứ lớn ở nước ngoài. Nó cho thấy Mỹ có thể tập trung nhiều hơn vào việc triển khai các lực lượng nhỏ hơn trong thời gian ngắn đến các địa điểm mới.

Cần phải xem xét kỹ

Sự thay đổi này đã bắt đầu diễn ra.

Chẳng hạn, quân đội Mỹ đang xây dựng “lữ đoàn có khả năng hoạt động ở Bắc Cực” trong nỗ lực tăng cường tập trung vào vùng cực Bắc.

Nơi đây được xem là điểm nóng tiềm năng. Các cường quốc đang giành lấy những nguồn tài nguyên thiên nhiên - trở nên dễ khai thác hơn khi băng tan.

Tương tự, không quân Mỹ lần đầu tiên cử máy bay ném bom tầm xa B-1 tới Na Uy, đồng minh NATO và là nước láng giềng của Nga.

 Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ trên đường băng tại Căn cứ Liên hợp Elmendorf-Richardson, Alaska. Ảnh: Michael Campbell.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ trên đường băng tại Căn cứ Liên hợp Elmendorf-Richardson, Alaska. Ảnh: Michael Campbell.

Trung Quốc cũng tự coi mình là một quốc gia Bắc Cực. Tuy nhiên, mối lo ngại chính Bắc Kinh gây ra cho Mỹ là việc nước này ngày càng khiêu khích ở châu Á - Thái Bình Dương.

Việc Mỹ chuyển hướng tập trung vào Trung Quốc bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Obama. Nhà Trắng của ông Trump sau đó chính thức tuyên bố rằng Trung Quốc và Nga, chứ không phải chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, là những mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Do đó, một số người đang đặt câu hỏi liệu sự thay đổi này có đi quá xa hay chưa.

Christopher Miller, quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong hai tháng cuối cùng của chính quyền Trump, trong một cuộc phỏng vấn nói ông đồng ý rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia chính.

Song, ông Miller cho biết các chỉ huy quân đội Mỹ ở những khu vực khác nói với ông rằng việc tập trung vào Trung Quốc làm tiêu tốn những nguồn lực họ cần.

“Vì vậy, tôi cảm thấy đã đến lúc phải xem xét điều này và đảm bảo rằng chúng ta không tạo ra bất kỳ hậu quả ngoài ý muốn nào”, ông Miller nói thêm.

Như Trần

Theo AP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lau-nam-goc-quyet-dap-tat-tham-vong-quan-su-cua-trung-quoc-post1185199.html