Lầu Năm Góc thừa nhận Mỹ tụt hậu về vũ khí siêu thanh
Mỹ vốn chiếm thế thượng phong, độc tôn trên thế giới về phát triển vũ khí siêu thanh, nhưng nhiều dự án chế tạo đã thất bại và sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục lại vị thế dẫn đầu đã mất, Tướng Không quân John Heiten, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thừa nhận.
Tên lửa Atlas V của Mỹ. (Nguồn: Sputnik)
Mỹ sẽ mất nhiều năm để khôi phục những gì đã mất
“Trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, chúng ta hiện đang cạnh tranh dữ dội với một số đối thủ trên thế giới. Nước Mỹ đã tiên phong đi trước mười năm. Mỹ đã có hai chương trình, hai nguyên mẫu phát triển dòng vũ khí này...
Tuy nhiên, các dự án vận hành không thuận lợi. Chúng ta đã làm gì sau khi những chương trình phát triển vũ khí siêu thanh thất bại? Người Mỹ mất nhiều năm nghiên cứu, mổ xẻ nguyên nhân của những thất bại đã qua, rồi sau đó lại quyết định hủy bỏ những dự án khổng lồ này”, - Tướng Heiten phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington.
Ông thừa nhận, vì Mỹ đã chấm dứt mọi công trình nghiên cứu và phát triển nên "sẽ mất nhiều năm để phục hồi" tất cả mọi thứ.
Tên lửa siêu thanh của Mỹ
Gần đây, Mỹ đã tích cực nghiên cứu, chế tạo ra các tên lửa siêu thanh. Theo đó, vào năm 2018, quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu thử nghiệm tên lửa AGM-183A ARRW không đối đất (ASM). Song song với đó, Washington hiện đang chế tạo và trang bị tên lửa HCSW siêu thanh tầm xa cho Không quân.
Vũ khí siêu thanh của Nga
Quốc gia duy nhất trên thế giới tuyên bố chính thức sở hữu vũ khí siêu thanh là Nga.
Năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố về việc phóng hệ thống tên lửa chiến lược siêu bội âm Avangard, thứ vũ khí “bất khả xâm phạm” này được trang bị và đưa vào trực chiến tại một đơn vị chiến lược. Lãnh đạo Nga cũng thông báo về việc thử nghiệm thành công tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon.
Vào tháng 10/2019, ông Putin lưu ý rằng, vào thời điểm mà các lực lượng quân đội hàng đầu thế giới mới xuất hiện vũ khí siêu thanh thì ở Nga đã có hàng loạt dòng vũ khí uy lực, tối tân hơn và giới khoa học quân sự Nga đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lau-nam-goc-thua-nhan-my-tut-hau-ve-vu-khi-sieu-thanh-108125.html