'…Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm'

Dân gian có câu 'Lấy chồng nghề ruộng em theo; lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm', ý chỉ những rủi ro mà người phụ nữ có chồng làm nghề đi biển phải đối mặt, nhất là những bất trắc có thể xảy ra với gia đình mình.

Trong những lần đến các làng chài ven biển của tỉnh Kiên Giang, tận mắt chứng kiến những vất vả, lo toan, sự thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình mới thấy hết được sự chênh vênh của những người phụ nữ khi có chồng làm nghề biển.

Hòn vọng phu trên cát

Gặp bà Nguyễn Thị Thắm ở làng chài Trần Phú, phường Dương Đông, TP Phú Quốc khi bà đang vá lưới chuẩn bị cho chồng đi biển. Cũng như bao gia đình khác ở làng chài này, sáng sớm những người phụ nữ ra bãi biển đón chồng cập bến, cùng chồng “cõng” tôm, cá lên bờ rồi phân loại bán.

Phụ nữ làng chài Trần Phú, TP Phú Quốc vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới của chồng. Ảnh: MINH TRUNG

Phụ nữ làng chài Trần Phú, TP Phú Quốc vá lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới của chồng. Ảnh: MINH TRUNG

Bà Thắm kể vợ chồng bà gốc Quảng Ngãi vào định cư tại làng chài được khoảng 30 năm nay. Vốn gắn liền với nghề đi biển truyền thống của người dân vùng Nam Trung Bộ nên chồng bà khi vào Phú Quốc cũng làm nghề này để lo cho cuộc sống của gia đình.

“Trước kia, lúc còn trẻ, chồng tôi đi biển xa, vài tháng mới về nhà một lần. Giờ thì lớn tuổi nên chủ yếu đi lưới gần bờ cho an toàn và đỡ vất vả. Lúc trước khi đi biển xa là tôi lo lắm, vì nghề này vốn nhiều bất trắc” - bà Thắm nói.

Nhìn về phía xa khơi, bà Thắm trải lòng: “Đời phụ nữ lấy chồng nghề biển như tôi gắn liền với những buổi sáng khắc khoải chờ đợi ghe của chồng cập bến, buổi trưa ngồi vá từng manh lưới rách và buổi chiều chuẩn bị cơm cho chồng trước lúc ra khơi. Thoạt nhìn cuộc sống có vẻ êm đềm, bình lặng nhưng thực chất trong lòng luôn canh cánh nỗi lo. Với những người có chồng đi biển xa còn sợ hơn là phút chốc có thể trở thành… góa phụ”.

Bà Thắm nói thêm: “Hồi trước, mỗi lần chồng tôi theo tàu ra khơi là những ngày dài mẹ con tôi ngóng trông, chờ đợi, vì hồi đó đã có điện thoại gì đâu mà liên lạc. Nhất là những khi mưa bão mẹ con tôi lại bất an, lo lắng. Mình chỉ còn biết cầu mong cho sóng yên biển lặng và thời gian sớm qua mau để đón ổng về.

Chị Quách Hồng Đào chăm sóc chồng. Ảnh: MINH TRUNG

Chị Quách Hồng Đào chăm sóc chồng. Ảnh: MINH TRUNG

Sợ nhất là đợt bão số 5 cách đây 26 năm, tôi tưởng ổng đã… nhưng trời còn thương ghe của ổng chạy kịp về tránh bão trước gần một ngày. Bạn của ông không may mắn nằm lại trên biển khá nhiều. Giờ thì ổng đi gần bờ, chiều hoặc rạng sáng mới ra khơi, sáng sớm hôm sau lại về nên tôi cũng đỡ lo hơn. Thế nhưng có hôm khi thuyền bạn cập bến rồi mà không thấy ổng đâu, tôi lại ra bãi biển trước nhà ngóng miết; đến khi thấy bóng dáng ổng xa xa từ biển tiến vào tôi mới yên tâm hẳn”.

Kiên trì bám biển vì tương lai của con trẻ

Chị Lê Thị Thu (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) có chồng làm cho chủ ghe đi đánh bắt ở các ngư trường xa cho biết: “Chồng tôi làm nghề này cũng hơn chục năm rồi; trước kia mỗi chuyến đi có khi đến sáu tháng mới về nhà một lần, giờ chỉ khoảng ba, bốn tháng. Nghề này cực và nguy hiểm nên tôi nhiều lần khuyên ảnh kiếm nghề khác nhưng ảnh vẫn kiên trì bám biển vì sợ làm trên bờ lương không đủ lo cho mấy đứa nhỏ”.

“Dù có cực khổ hơn vợ chồng tôi cũng cố gắng làm nuôi con ăn học thành tài.”

Nguyễn Thị Thắm (làng chài Trần Phú, phường Dương Đông, TP Phú Quốc, Kiên Giang)

Theo chị Thu, với những người lấy chồng làm nghề biển, những lúc chồng vươn khơi cũng là lúc họ vào vai người đàn ông trụ cột gia đình. Từ chuyện cái bàn, cái ghế, đưa đón con đi học, làm thêm kiếm tiền lo cho sinh hoạt hằng ngày… Rồi đến căn nhà cũ bị cơn gió vô tình kéo ngã mái hiên, chị cũng phải tự mình sửa lại và dặn lòng phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn đợi chồng về. Tất cả cùng nỗ lực vì tương lai của con trẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Thắm cho hay ngót nghét nghề đi biển của gia đình bà đến nay đã hơn 30 năm. Sau khi kết hôn, vợ chồng bà có với nhau ba người con (hai gái, một trai). Theo truyền thống, đàn ông làng biển thì đi biển để mưu sinh, đối đầu với sóng gió; đàn bà trên bờ quán xuyến gia đình và tìm thêm việc làm như vá lưới thuê, phụ buôn bán… để kiếm tiền lo cho các con ăn học.

“Cố gắng sau ngần ấy năm thì hai con gái của tôi cũng được học hành đàng hoàng, lập gia đình riêng, công việc ổn định; riêng thằng út năm nay cũng thi tốt nghiệp THPT. Nó nói ráng thi đậu rồi vào ngành cơ khí kiếm tiền lo cho cha mẹ, không cho cha đi biển nữa. Nghe vậy tôi cũng mừng trong lòng; dù có cực khổ hơn vợ chồng tôi cũng cố gắng làm nuôi con ăn học thành tài” - bà Thắm tâm sự.

Sống sót sau gần bốn ngày đêm trôi dạt trên biển

Mới đây, một ngư dân ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang may mắn thoát chết sau khi rơi và trôi dạt trên biển gần bốn ngày đêm. Đến nay nỗi bàng hoàng, ám ảnh của gia đình ngư dân này vẫn còn hiển hiện.

Chị Quách Hồng Đào (vợ ngư phủ Trần Văn Việt thoát chết) chia sẻ: “Hôm được tin chồng tôi rơi xuống biển, tôi sụp xuống tại chỗ. Mấy ngày liên tiếp không ăn uống gì; anh em, hàng xóm cũng đến dọn đám cỏ trước nhà để chuẩn bị làm đám tang cho chồng tôi dù chưa kiếm được xác. Thế nhưng, phép màu đã đến với gia đình tôi, chồng tôi được cứu sống thần kỳ sau gần bốn ngày đêm trôi dạt trên biển. Sau chuyến này, tôi nhất quyết không để ảnh đi biển nữa”.

MINH TRUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lay-chong-nghe-bien-hon-treo-cot-buom-post740644.html