Lấy chồng nghèo, người phụ nữ đồng cam cộng khổ, giờ sống hạnh phúc, được bù đắp xứng đáng
Trải qua 35 năm hôn nhân, cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm nhưng tình cảm mà cô Phượng, chú Bình dành cho nhau chưa một lần thay đổi.
Trúng tiếng sét ái tình ngay lần đầu gặp gỡ
Ngồi bên cạnh nhau, mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm trong quá khứ, chú Huỳnh Tấn Bình (60 tuổi) thường quay sang vợ, cô Nguyễn Thị Kim Phượng (56 tuổi) nói: "Đúng không em hả?" như một cách để cùng cô ôn lại chuyện năm xưa. Nghe chú hỏi, cô Phượng lại nhẹ nhàng thưa: "Dạ anh".
Kết hôn đến nay đã được 35 năm, nhưng tình yêu mà chú Bình, cô Phượng dành cho nhau khiến nhiều người ngưỡng mộ, họ giống như một đôi tình nhân chỉ vừa mới chớm yêu.
Họ gặp nhau lần đầu tiên trên bến phà Rạch Miếu, khi chú Bình là còn chàng thanh niên 25 tuổi. Lúc đó, chú thấy cô: "Đẹp gái, tươi tắn, ít nói". Chú Bình nghĩ mình chỉ được ngồi ngắm người đẹp thôi chứ khó mơ làm bạn trai của cô.
Nhưng rồi, chú đã mạnh dạn chủ động làm quen. Cách nói chuyện lịch thiệp và duyên dáng của chú Bình đã khiến cô Phượng cảm thấy hứng thú. Cả hai đã trò chuyện rất lâu, cùng ngồi trên phà rồi suốt cả chuyến xe đò từ Bến Tre lên Sài Gòn.
Ngày đó không có điện thoại, nên chú Bình xin địa chỉ nhà cô Phượng với lời hẹn: "Anh về lo việc gia đình xong, 3 ngày sau anh sẽ quay lại Sài Gòn để mời em đi ăn tối". Cô Phượng đồng ý liền, bởi cô cũng đã "trúng tiếng sét ái tình".
3 ngày sau, giữ đúng lời hứa, chú Bình chạy xe máy từ Long Khánh, Đồng Nai lên Sài Gòn, lòng nôn nao vì sắp được gặp người trong mộng. Chú đưa cô đi ăn tối, đi xem phim, cô chú ngượng ngùng, chẳng dám cầm tay.
Nhìn chú Bình chỉn chu, cô Phượng lúc nào cũng nghĩ chắc nhà chú giàu có, kín cổng cao tường, có quản gia,... Chú nói gia đình mình rất nghèo nhưng cô chẳng tin. Ngày chú đưa cô về giới thiệu với gia đình, xe dừng trước cửa, cô Phượng đứng nhìn rồi cười rất thân thiện, như thể cô nghĩ: "Anh này nói đúng, nhà anh ấy nghèo thật".
Và rồi cô chú yêu thương nhau. Nhưng cô đã giấu chú một chuyện, mãi sau mới tiết lộ. Hôm đó, hai cô chú ngồi ở một căn nhà tranh, trời mưa nên dột, phải né chỗ này chỗ kia, ánh đèn dầu le lói, cô hỏi chú: "Anh có thực sự muốn lấy em làm vợ không?". Chú Bình trả lời: "Em có chấp nhận đi theo anh cả cuộc đời không?".
Cô Phượng lúc này mới nói cho chú Bình biết, đáng lẽ chỉ còn 10 ngày nữa là cô trở về Mỹ, mọi thủ tục giấy tờ đều đã hoàn tất. Tuy nhiên, cô quyết định ở lại Việt Nam, làm vợ của chú Bình chứ không đi Mỹ nữa.
Tấm chân tình của cô Phượng khiến chú Bình rất xúc động. Chú hứa dù có gian khổ cỡ nào cũng sẽ ở bên cạnh cô đến hết cuộc đời. Đó là một kỷ niệm tuyệt vời mà với chú không tiền bạc vật chất nào có thể mua được.
Lấy chồng nghèo, nhưng cô Phượng tự thấy bản thân may mắn khi được cả gia đình chồng đón nhận, yêu thương. "Tôi không biết làm dâu là gì. Sáng dậy nấu ăn được một bữa thì ba mẹ chồng không cho nấu. Dậy quét cái nhà ba chồng cũng không cho làm, ba nói: "Thôi con cứ ngủ đi, ba dậy sớm làm mấy việc đó coi như tập thể dục".
Kết hôn xong, chú Bình đi làm xa, khoảng 7-10 ngày mới về một lần. Mỗi lần về, chú đều mua rất nhiều quần áo, mỹ phẩm tặng vợ, rồi hai vợ chồng lại đèo nhau trên chiếc xe máy đi xem phim.
Được một thời gian, cô Phượng và chú Bình quyết định sẽ cùng nhau sang Mỹ. Đây là quãng thời gian cực kỳ khó khăn của hai cô chú. Trước khi sang xứ cờ hoa, chú Bình và cô Phượng sang Philippines 7 tháng để học tiếng Anh.
Trong 7 tháng đó, cô chú đã đem bán hết tài sản, từng sợi dây chuyền, chiếc nhẫn cho đến đôi bông tay của cô, chiếc đồng hồ cuối cùng của chú để lo trang trải cuộc sống. Đến mức, cô Phượng sốc và chỉ muốn quay trở về ngay lập tức nhưng không được.
Giàu nghèo vẫn một lòng hướng về nhau
Khi sang Mỹ, nhìn mọi thứ đều lạ lẫm, câu hỏi đầu tiên hiện lên trong tâm trí của chú Bình là: "Bây giờ mình làm cái gì đây?". Và rồi, chú xin đi làm thuê, không từ chối bất cứ một công việc gì dù vất vả thế nào.
Cô Phượng làm ở một tiệm may, công việc rất nhiều mà tiền lương thì ít ỏi. Tháng đầu tiên nhận lương, cầm số tiền trên tay mà cô đã khóc, khóc vì đó là lần đầu tiên cô kiếm được tiền. Trong những năm tháng gian khó ấy, cô Phượng, chú Bình lúc nào cũng đồng hành cùng nhau. Có những đêm, cô mang việc về nhà, ngồi đính cúc áo tới 3h sáng thì chú cũng thức cùng cô.
Rồi cô chú cũng dần ổn định cuộc sống, hiện định cư ở bang Chicago. Đến giờ, cô chú đã có nhà cửa, có xe hơi, mở được một tiệm nail. Cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, nhưng tình cảm của cô chú dành cho nhau suốt 35 năm qua vẫn luôn bền chặt.
Mọi thứ không phải lúc nào cũng êm ả, nhưng chú Bình tiết lộ, sự nhẹ nhàng, ân cần, từ tốn của cô Phượng dành cho chú chính là điều giúp hôn nhân của họ ngày một khăng khít.
Mặc dù đến giờ, chú Bình đã có khả năng dành tặng cho cô Phượng những món quà đắt đỏ như kim cương, hột xoàn. Chú dành hết tất cả những gì mình có cho vợ, cô thích gì có thể tự sắm nhưng thứ mà cô nâng niu nhất vẫn là những kỷ vật năm xưa. Đó không phải là những món quà có giá trị về vật chất, nhưng cô bảo: "Bây giờ kim cương, hột xoàn anh đều mua tặng em được. Nhưng với em, những kỷ vật này mới là giá trị vì không thể mua lại được".
Cô Phượng từng hai lần mang thai nhưng đều không giữ được. Không có con, cô chú nuôi thêm 2 chú cún cưng cho vui cửa vui nhà. Được một người cháu hướng dẫn, cô chú làm kênh YouTube về cuộc sống ở Mỹ để giao lưu, trò chuyện với mọi người. Cuộc sống của họ cứ bình yên, ấm áp trôi qua mỗi ngày.
Nguồn: Tình trăm năm; Ảnh: FBNV