Lấy cớ thu phí nắng nóng, Grab đang 'ngồi mát ăn bát vàng'?
Mặc cho dư luận bức xúc, Grab vẫn né đối thoại với báo chí về việc 'phụ thu phí nắng nóng'. Thậm chí, khi được cơ quan chức năng yêu cầu báo cáo, doanh nghiệp công nghệ này vẫn kiếm cớ trì hoãn, xin khất để không phải báo cáo đúng hạn.
Khách hàng đòi quay lưng
Trong mấy ngày gần đây, khách hàng sử dụng dịch vụ Grab bike từ bất ngờ chuyển sang bức xúc vì bị Grab phụ thu phí nắng nóng từ 3.000-5.000 đồng/cuộc. Trước đó, hãng dịch vụ công nghệ này đã nhiều lần khiến khách hàng “ngã ngửa” vì mức giá trên trời cho nhưng lý do trời ơi đất hỡi như tăng giá giờ cao điểm, tắc đường… với mức giá cao gấp rưỡi giờ bình thường. Chưa kể, mấy tháng mấy tháng gần đây, cước phí của Grab đã tăng chóng mặt.
Chị Hoa (Thanh Xuân- Hà Nội) cho biết, sáng 20/7, chị đặt chuyến xe Grab bike cho quãng đường 1,5km từ Lương Thế Vinh đến Trường Amstecdam, Grab báo giá 64.000 đồng, trong khi cùng đoạn đường đó, gọi taxi truyền thống, giá phải trả chỉ 27.000 đồng, còn gọi xe ôm truyền thống, giá không quá 20.000 đồng.
“Tôi không hiểu Grab tính phí kiểu gì, bởi nếu đi taxi truyền thống, ngồi máy lạnh, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, đoạn đường 1,5km tôi cũng chỉ phải trả có 27.000 đồng, còn nếu gọi xe ôm truyền thống giá không bao giờ vượt quá 20.000 đồng. Tệ lắm có không may đón phải 1 chiếc taxi dù, thì giá “ăn chặn” cho 1,5km cùng lắm cũng chỉ ngang bằng giá xe hai bánh của Grab”, chị Hoa bức xúc.
Thực vậy, bức xúc của chị Hoa hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu trừ đi 3.000 đồng phụ thu phí nắng nóng, cước phí 61.000 đồng cho 1,5km là quá cao. “1,5 km chạy nội đô giờ cao điểm chẻ hoe ra cũng chỉ hết 1.500 đồng tiền xăng, khấu hao xe 5.000 đồng tổng cộng 6.500 đồng. Quãng đường 1,5km đi hết tầm 3 phút, như vậy, tính ra mỗi phút, Grab lấy công là 20.000 đồng, có nghĩa 1 giờ lao động là 1.200.000 đồng, 1 ngày công là gần 10 triệu đồng, mỗi tháng bót nghét 300 triệu đồng. Tất nhiên con số tính chỉ là tương đối, vì không phải xe nào, và tài xế nào cũng chạy được kín giờ, và giờ cao điểm cũng chỉ vài 3 tiếng trong 1 ngày, nhưng con số tính toán cho thấy thực sực Grab đang “ăn cướp” khách hàng một cách trắng trợn”, anh Hoàng, một lái xe taxi truyền thống tính toán.
Cũng bức xúc không kém, chị Nguyễn Thị Phương ở Thanh Xuân (Hà Nội) là một khách hàng ruột của Grab cho hay, chị bức xúc nhất là cách tính giá cước của Grab, vào giờ cao điểm chị chấp nhận giá có thể đội lên chút, nhưng từ nhà chị đến trường con chị học ở đường Hoàng Minh Giám, chỉ có gần 2km mà nhiều lần, giá cước cho Grabike đội lên 40.000 đồng. “Kể từ khi xăng tăng, giá vận tải nhích lên là đúng, nhưng nếu đội giá lên gấp ba, gấp bốn lần thì tôi thấy quá phi lí, đắt hơn cả taxi truyền thống. Theo tôi biết, 1km đi Grabike là 5.000 đồng vào giờ thấp điểm, vào giờ cao điểm thì Grab nhân hệ số vô tội vạ. Tôi muốn biết, cách nhân giá vào giờ cao điểm của Grab theo tiêu chí nào?”, chị Phương bày tỏ.
Anh Trần Quang Minh cũng ở khu vực Thanh Xuân cho hay, cơ quan anh ở gần Bờ Hồ, nếu 5.000 đồng 1 km cho Grabike thì nếu tính khoảng cách 10 km từ cơ quan anh về nhà, theo lí thuyết anh chỉ mất 50.000 đồng cước phí, nhưng thực tế, anh chưa bao giờ được hưởng giá cước đó. “Tôi đề nghị cơ quan quản lí Nhà nước phải vào cuộc, đòi lại công bằng cho khách hàng”.
Cùng bức xúc như chị Phương, anh Minh, nhiều khách hàng hiện đã quay lưng lại với Grab. Chị Đào Anh Hoa (Cầu Giấy) chia sẻ: “Nếu Grab không minh bạch thì chúng tôi sẽ chọn phương tiện khác để đi. Chúng tôi không muốn mất tiền một cách mù mờ”.
Chuyên gia đề xuất áp giá trần
Theo phản ánh của các tài xế, hiện nay, tỷ lệ ăn chia giữa Grab và tài xế là 3/7. Khi phụ thu phí nắng nóng, Grab tính vào giá cước “một cục” rồi từ đó chia tỷ lệ 3/7 như đã thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với mang tiếng là phụ thu “phí nắng nóng” nhưng thực tế, số tiền 1/3 đó đang được Grab “bỏ túi”.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc phụ thu phí nắng nóng chỉ là một hình thức trá hình để tăng giá cước của Grab. “Nếu anh thu phí nắng nóng, thì phí đó phải dành cho những người lao động, tức là những người tài xế đang nai lưng giữa trời nắng kiếm miếng cơm manh áo, chứ không phải là tiền để “ăn chia” phần trăm cho những người ngồi phòng máy lạnh, tăng thu nhập cho 1 hệ thống bộ máy nhân lực “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu” trong văn phòng”, ông Long bình luận.
Trước bức xúc của dư luận, Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ tiêu dùng (Bộ Công thương) đã yêu cầu Grab có văn bản báo cáo chi tiết về việc phụ thu “phí nắng nóng”, thời hạn báo là trước ngày 18/7. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Grab vẫn chưa có báo cáo, và đang “xin lùi thời hạn báo cáo” vào cuối tháng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đã đến lúc xem xét áp giá trần đối với Grab, còn TS Phạm Thế Anh thì cho rằng, với những quy định phải báo cáo, cần đi kèm với chế tài xử phạt hành chính nếu khi đối tượng được yêu cầu không thực hiện.