Lấy đà tăng trưởng, tạo sức bật cho TP HCM

TP HCM nên hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển; bởi nếu không sáng tạo, thành phố sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế trong nước

Chiều 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Chiến lược quốc gia về "bình thường mới"

Thay mặt UBND TP HCM báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết tác động của đợt dịch lần thứ 4 phản ánh rõ trong bức tranh kinh tế của thành phố. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, đến quý III thực hiện triệt để giãn cách xã hội, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, giảm hơn 24% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 272.000 tỉ đồng, đạt 74% dự toán.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển nhanh và bền vững theo định hướng của Đảng, nhà nước; chủ động giải quyết được những khó khăn, thách thức hiện nay và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sự phát triển và tạo động lực phát triển cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội điều chỉnh tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố giai đoạn 2022-2025.

Sau khi nghe báo cáo của UBND TP HCM, nhiều ĐBQH đã gợi mở, hiến kế giải pháp cho thành phố phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế trong thời gian tới. ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu 6 kiến nghị, trong đó TP HCM cần sớm lập danh sách các doanh nghiệp cần hỗ trợ nguồn vốn để duy trì trả lương tối thiểu cho người lao động và duy trì sản xuất...

Trong khi đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị Đảng, nhà nước cần chỉ đạo xây dựng và ban hành chiến lược "bình thường mới" tổng thể trong cả nước để có thể sống thích nghi an toàn với dịch Covid-19. Trong đó, bao gồm chiến lược thành phần ở từng lĩnh vực, từng ngành, từng vùng kinh tế trọng điểm với các giải pháp, chính sách mang tính vĩ mô.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc vào chiều 12-10. Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc vào chiều 12-10. Ảnh: TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP HCM

Cần tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM, đưa ra hàng loạt đề xuất cho thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế.

Theo đó, TP HCM cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tiếp tục bảo đảm huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt để nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, người lao động. Chủ tịch nước nhấn mạnh lần nữa các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", mỗi nơi một kiểu mà cần tạo nên một quốc gia thống nhất. Thứ hai, khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân... Thứ ba, Việt Nam cần có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để tận dụng nguồn lực. Thứ tư, giải quyết vấn đề lao động, việc làm. Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, bao gồm cả chính sách an sinh và sức khỏe tinh thần cho các nhóm bị tổn thương trong và sau đại dịch.

Chủ tịch nước cũng cho rằng TP HCM với tư cách là "anh Hai Nam Bộ" nên chú trọng chính sách, cơ chế phân công giữa các địa phương để chuẩn bị cơ sở sản xuất đến với nguồn lao động dồi dào. Nghiên cứu để có liên kết vùng rõ hơn giữa TP HCM với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Ông cũng đề nghị TP HCM nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phục hồi kinh tế từ nay đến cuối năm 2025 nhằm giúp thành phố lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh: Đề nghị các ĐBQH, TP HCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố từ 18% lên 23% ngay năm 2022 để thành phố có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước. Ngoài ra, TP HCM nên hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo làm động lực phát triển. Bởi nếu không sáng tạo, thành phố sẽ suy giảm vai trò đầu tàu kinh tế trong nước.

Chủ tịch nước cũng đề nghị TP HCM tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố.

Chuẩn bị nhiều chiến lược trong giai đoạn mới

Dự và phát biểu tại buổi giám sát, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ khi thành phố thực hiện "ai ở đâu, ở yên đó", số lượng người dân trên địa bàn không phải là 10 triệu người mà có thể lên đến 14 triệu người. Việc kiến thiết lại một thành phố để người dân đến làm ăn, sinh sống yên ổn, yên tâm và được bảo đảm các yêu cầu cho cuộc sống an toàn là cực kỳ khó khăn. TP HCM mong muốn Chủ tịch nước, các ĐBQH tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy cơ chế, chính sách giúp thành phố sớm xây dựng nhà ở xã hội cho người dân.

Bí thư Thành ủy TP HCM cũng cho biết thành phố đang chuẩn bị cùng lúc nhiều chiến lược cho giai đoạn mới. TP HCM sẵn sàng chia sẻ cùng các tỉnh, cứ tỉnh nào khó khăn là TP HCM hỗ trợ, đưa máy xét nghiệm, đưa lực lượng, đưa an sinh, thậm chí hỗ trợ test, giúp các tỉnh bạn phòng chống dịch.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lay-da-tang-truong-tao-suc-bat-cho-tp-hcm-20211012224548661.htm