Lấy dân làm gốc
Tư tưởng 'lấy dân làm gốc' được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định: 'Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong'. Tư tưởng ấy được Đảng ta đặc biệt quan tâm, thực hiện.
Xã Yên Trường (Yên Định) ngày càng đổi mới.
Bác luôn khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân”; “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân, Người đặt niềm tin tuyệt đối vào nhân dân, ngay cả khi cách mạng đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” Người vẫn một lòng tin tưởng vào nhân dân. Người cho rằng “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng làm được”.
Theo Hồ Chủ tịch, để thực sự “lấy dân làm gốc” cần phải luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ. Cùng với đó phải làm tốt công tác dân vận. Người thường căn dặn cán bộ: Làm dân vận phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ, không được lãnh đạo chung chung. Cán bộ phải thường xuyên sâu sát với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biết nhân dân đang nghĩ gì, cần cái gì... Từ đó có các kế hoạch chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Thông qua dân vận khéo, nhằm tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân. Khi đã được dân đồng tình, ủng hộ thì mọi việc sẽ thành công.
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo nhân dân thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, Đảng ta luôn phát huy cao quyền làm chủ của nhân dân nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả sức mạnh to lớn của lực lượng này. Thực tế cho thấy “Chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội”. Những thành tựu to lớn mà Đảng ta đạt được trong những giai đoạn cách mạng trước đây đều xuất phát từ đường lối “lấy dân làm gốc”. Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị. Song, vấn đề không phải chỉ nêu lên khẩu hiệu “lấy dân làm gốc” mà quan trọng nhất là phải biến tư tưởng đó trở thành hiện thực, phải được thể hiện một cách sinh động, nhất quán trong hành động thực tiễn hàng ngày, hàng giờ của mỗi cán bộ, đảng viên.
Cán bộ xã Tây Hồ (Thọ Xuân) kiểm tra, hướng dẫn hộ dân sản xuất đúng quy trình.
Thực tế chứng minh rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm đến đời sống nhân dân, coi trọng nhân dân, biết dựa vào dân mà triển khai chính sách, nơi ấy sẽ có chuyển biến, thành tựu rõ rệt. Câu chuyện về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân), chúng tôi đã được nghe người dân phấn khởi kể về phong trào hiến đất làm đường, góp tiền, góp sức tham gia XDNTM lan tỏa ở hầu khắp các địa phương. Sự đồng thuận của người dân còn góp phần xây dựng nhiều nhà văn hóa, những công trình dân sinh quan trọng, mà ở đó chính họ là chủ thể và là người hưởng lợi. “XDNTM ở Thọ Diên, thực sự nhân dân là chủ thể. Mọi việc đều được nhân dân bàn bạc, thống nhất, đồng thuận, đoàn kết, chung sức, đồng lòng ủng hộ. Sự vào cuộc của nhân dân là sức mạnh, nguồn lực, yếu tố mang tính tiên quyết, thành công, bền vững của XDNTM”. Bởi thế mà trước khi XDNTM, xã Thọ Diên thống kê, rà soát đánh giá kết quả thực hiện mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí, thu nhập đầu người năm 2010 mới đạt 11,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 18%... nhưng đến tháng 11 năm 2018, xã Thọ Diên đã về đích NTM. Đây là kết quả của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhân dân được bàn, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền lợi, cuộc sống của mình.
Năm 2011, thôn Điền Lý, xã Điền Lư (Bá Thước) triển khai XDNTM. Đồng chí Lê Chí Dũng, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, chia sẻ: Đảng ủy xã Điền Lư đã phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” nên nhiều nội dung công việc trong XDNTM đã được bà con nhân dân ở các bản bàn bạc và trực tiếp quyết định, nhất là các khoản đóng góp làm đường giao thông, nhà văn hóa. Trong quá trình thực hiện, nhân dân tham gia giám sát và đóng góp ý kiến cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, điều hành. Nhờ đó, tạo được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường được mối quan hệ giữa cán bộ với nhân dân. Nay, trên địa bàn xã có nhiều công trình được xây dựng bằng sức dân. Nổi bật là các công trình nhà văn hóa ở 3 bản: Piềng Khéo, Sại, Tình trị giá hơn 1 tỷ đồng, được xây dựng bằng tiền đóng góp của nhân dân, hay trong tổng 20 km đường giao thông liên bản, nội bản, ngõ xóm đã được bê tông hóa, thì có 14,3 km được làm bằng sức dân. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình XDNTM của xã khoảng 37,671 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 16,726 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện và các chương trình, dự án.
Bà Hoàng Thị An (người đầu tiên bên phải) xã Yên Trường (Yên Định) vinh dự được Bác Hồ trao Huy hiệu của Người nhân dịp Bác về thăm HTX Yên Trường năm 1961.
Mỗi việc làm của cán bộ, công chức đều xuất phát từ ý thức trọng dân “lấy dân làm gốc” để triển khai thực hiện nhiệm vụ thì mới thành công, đó là chia sẻ của đồng chí Phạm Bá Suy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Nghiêm (Quan Hóa). Với suy nghĩ đó, đồng chí Suy cùng với các đảng viên trong chi bộ thường xuyên “cầm tay chỉ việc” giúp người dân mạnh dạn cấy lúa nước 2 vụ. Đến nay, toàn xã đã có 11,3 ha cấy lúa nước 2 vụ bằng các giống lúa lai, lúa thuần, bón phân viên nén dúi sâu; 9 ha trồng ngô, rau màu các loại; 110 ha luồng và cây lâm nghiệp kết hợp nuôi 230 con trâu bò, 4.500 con gia cầm, 250 con lợn. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt hơn 16 triệu đồng/người/năm.
“Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước” – đó là bộc bạch của đồng chí Lê Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Định Tân (Yên Định). Trước khi quyết định một việc gì, đồng chí Thuần cho biết đều đưa ra tập thể bàn bạc công khai, lấy ý kiến, phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, bởi vậy khi thực hiện mới đem lại hiệu quả thiết thực và đúng thẩm quyền. Do vậy, trong 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã đã huy động được trên 534 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp trên 275 tỷ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân là phương châm luôn được Đảng, Nhà nước ta đề cao. Trong tình hình thực tế hiện nay, hơn lúc nào hết, các tổ chức đảng và các cấp chính quyền phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân cũng cần được thể hiện bằng cách hướng dẫn, tạo cơ chế để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ, giúp nhân dân thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc/lay-dan-lam-goc/106697.htm