'Lấy dân làm gốc': Khởi nguồn của mọi thắng lợi -Bài 2
Bài 2: Khơi nguồn động lực từ nhân dân
Gần dân, sát việc, tận tụy, công tâm
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm” mang tính chất định hướng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng, đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tùy theo đặc thù của từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà xác định tên gọi, nội dung thực hiện cho phù hợp, như: “Gần dân, sát dân”, “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân”, “Chính quyền thân thiện, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”…
Qua thực hiện mô hình, từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ sở đã thể hiện sự gần gũi, gắn bó, sâu sát với nhân dân, kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân liên quan đến cuộc sống hàng ngày và sự phát triển chung của địa phương. Qua đó, tạo sự tin tưởng, hài lòng trong nhân dân, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, không để phát sinh những vấn đề phức tạp. Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính được tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả, đã tác động tích cực vào hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Khơi nguồn động lực từ nhân dân đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho Bình Dương phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: Tân Uyên vừa trở thành thành phố (trực thuộc tỉnh) thứ 4 của Bình Dương
Bên cạnh đó, công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội được các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy hiệu quả, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển của tỉnh. Công tác dân vận của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, doanh nghiệp và diễn đàn các ngành “Lắng nghe ý kiến nhân dân” được chú trọng tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động hướng mạnh về cơ sở. Các cuộc vận động, phong trào thi đua có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Điển hình tại TP.Tân Uyên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì các mô hình hiệu quả và xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Các mô hình, phong trào, cuộc vận động đem lại hiệu quả cao, như mô hình “Thân thiện, đổi mới và phát triển, gắn với thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn thành phố”, “Sáng tạo, nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, “Tuyến phố văn minh, tuyến đường kiểu mẫu”, “Trụ điện nở hoa”, “Xã hội hóa đầu tư lắp đặt đèn chiếu sáng đường giao thông nông thôn”, “Lắp đặt camera an ninh trật tự”, “Thùng thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, gắn với địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm”...
Chia sẻ về những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tân Uyên, cho biết qua “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã góp phần đưa TP.Tân Uyên phát triển xứng tầm, thành phố đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm. Trước tiên, cấp ủy - nhất là người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm nêu gương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện.
Song song đó, Đảng bộ phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong học tập và làm theo Bác. Và, dù có nhiều giải pháp như thế nào thì việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là yếu tố rất quan trọng. Qua đó, kịp thời phát hiện và biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong các phong trào thi đua yêu nước, tạo sự lan tỏa trong nhân dân và trong toàn xã hội.
Lấy người dân làm trung tâm
Để việc gần dân, sát dân đi vào thực tế cuộc sống, Ban Tuyên giáo Thành ủy Dĩ An triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến các phường, khu phố, khu dân cư trên địa bàn nhằm lan tỏa sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị 05 trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân địa phương. Theo đó, các hoạt động tuyên dương, khen thưởng được triển khai ngay trên địa bàn dân cư.
Ông Phạm Ngọc Ẩn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Dĩ An, cho biết hướng về cộng đồng dân cư, lấy người dân làm trung tâm trong triển khai các hoạt động, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thu hút nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Điển hình mới đây, Đảng ủy phường Bình An đã tổ chức hội nghị tuyên dương, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay nhằm lan tỏa việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn dân cư tại khu phố Bình Thung 1.
Bà Nguyễn Ngọc Huê, Bí thư Đảng ủy phường Bình An, cho biết chính từ việc “Lấy người dân làm trung tâm” đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nổi bật là địa phương đã vận động nhân dân hiến đất, ngày công, kinh phí bê tông hóa 15 tuyến hẻm dài hơn 6km, lắp đặt hệ thống chiếu sáng 16 tuyến hẻm. Để tạo không khí trang trọng, vui tươi vào các dịp lễ trọng đại của đất nước, đã có 850 hộ/1.000 hộ trong khu phố lắp giá treo cờ một cách đồng bộ, đúng quy cách, bảo đảm mỹ quan đô thị. Từng chi hội đoàn thể xây dựng các mô hình, cách làm hay nhằm phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân, như: Mô hình phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, quỹ đồng đội của chi hội cựu chiến binh, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đội hình tình nguyện xanh của chi đoàn...
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, các hoạt động thực hiện theo hướng này đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhân dân. Và chính hiệu quả từ các phong trào thi đua của các tầng lớp nhân dân đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho Bình Dương phát triển nhanh, bền vững.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm” mang tính chất định hướng trong toàn Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng, đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị…
(còn tiếp)