Lấy dân làm gốc trong chống tội phạm

Trong công tác phòng chống tội phạm, lực lượng công an là nòng cốt, người dân là hạt nhân. Chỉ khi người dân đồng thuận, tự giác và cảnh giác thì các loại tội phạm sẽ không có điều kiện hoạt động

Sáng 13-10, HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP: Thực trạng và giải pháp".

Tội phạm ngày càng tinh vi

Tại chương trình, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP HCM, cung cấp bức tranh toàn diện về tình hình tội phạm trên địa bàn TP. Ông cho biết trong thời gian qua, TP đối diện với nhiều thách thức nhưng vẫn giữ vững tình hình an ninh chính trị trong mọi tình huống, bảo đảm sự phát triển của TP.

Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, 9 tháng đầu năm, TP HCM xảy ra 2.990 vụ phạm pháp hình sự, kéo giảm được 271 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận tình hình tội phạm còn nhiều thách thức và khó khăn. Đặc biệt, các tội cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản dù được kéo giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao (75% trong cơ cấu tội phạm).

Đại diện lãnh đạo Công an TP HCM cũng "điểm" một số loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm như núp bóng doanh nghiệp, tín dụng đen, ma túy, lừa đảo bằng công nghệ cao. Về tội phạm ma túy, đại tá Nguyễn Sỹ Quang đánh giá đây là tội phạm của các loại tội phạm. Nếu giảm được loại tội phạm này sẽ giảm được người nghiện, người sử dụng ma túy, đồng nghĩa sẽ kéo giảm được tội phạm. Nguy hiểm nhất là tội phạm sử dụng ma túy đá, nhiều trường hợp ngáo đá đã gây ra các vụ thảm sát. Với tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng số nạn nhân và số tiền bị chiếm đoạt vẫn tăng.

Từ góc độ giám sát của HĐND TP HCM, Phó trưởng Ban Pháp chế Lê Minh Đức đánh giá cao công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn TP nhưng ông cũng nhìn nhận còn rất nhiều thách thức khi tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều nguyên nhân được ông Lê Minh Đức đưa ra "mổ xẻ", cụ thể: việc xử lý tin báo tố giác tội phạm có nơi có lúc chưa tốt; công tác quản lý địa bàn còn mang tính hành chính, chưa được số hóa. Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chậm so với thực tiễn, hướng dẫn chưa kịp thời…

Hơn 1,1 tấn ma túy bị Công an TP HCM thu giữ ngày 12-4. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Hơn 1,1 tấn ma túy bị Công an TP HCM thu giữ ngày 12-4. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Xã hội cùng vào cuộc, tội phạm hết "đất sống"

Trước tình hình trên, cử tri TP HCM đã hiến kế nhiều giải pháp cho các cơ quan chức năng. Ông Lý Nhơn Thành, cử tri quận 1, cho rằng phải cấm hẳn game bắn cá. "Chơi suốt đêm nên phải sử dụng ma túy để tỉnh táo; rồi khi hết tiền, thiếu nợ sẽ đi cướp, trộm tài sản, thậm chí giết người" - cử tri Thành phân tích. Còn cử tri Dương Quang Thọ (phường 3, quận Gò Vấp) nêu hẳn 4 nhóm giải pháp: Đẩy mạnh quản lý người từ nơi khác đến TP, công khai số điện thoại của chủ tịch phường, trưởng công an phường và công an khu vực; trích kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để lắp đặt hệ thống camera giám sát; công tác tuyên truyền phải chọn đúng đối tượng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Vai trò của chính quyền cơ sở và người dân trong công tác này cũng được các đại biểu quan tâm đề cập. Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" để phong trào thực sự đi vào cuộc sống của người dân; đồng thời rà soát lại các mô hình tự quản. "Chỉ khi người dân đồng thuận, vào cuộc, tự giác và cảnh giác thì công tác này mới hiệu quả, các loại tội phạm sẽ không có điều kiện hoạt động" - bà Triệu Lệ Khánh nói.

Đồng tình, đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho rằng người dân là đối tượng bảo vệ nhưng cũng là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống tội phạm. Theo ông, lực lượng công an là lực lượng nòng cốt, người dân là hạt nhân trung tâm. Người dân cũng là lực lượng giám sát lực lượng công an cơ sở. Về biện pháp chuyên ngành, đại tá Nguyễn Sỹ Quang khẳng định công an sẽ đánh mạnh vào tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức, tạo ra những mũi nhọn để kéo giảm tội phạm một cách căn cơ. Bên cạnh đó, sẽ trang bị hệ thống camera giám sát, kết hợp hệ thống của người dân. Những cán bộ chưa làm hết trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP, đề nghị các cơ quan chức năng tuyên truyền phương thức tội phạm, biện pháp phòng ngừa đến từng người dân để nâng cao sự chủ động của từng gia đình. Lực lượng công an phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để những vụ phạm pháp hình sự; đẩy mạnh điều tra, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và tín dụng đen.

Hạn chế oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm

Để góp sức trong công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn TP, ông Nguyễn Nhật Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, cho biết đã yêu cầu lãnh đạo VKSND quận, huyện phải nắm chắc tình hình an ninh trật tự của địa phương, thông qua công tác thực hành quyền công tố kiểm soát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, tìm ra nguyên nhân phát sinh tội phạm để thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Ông Nguyễn Nhật Nam cũng cho hay cơ quan kiểm sát sẽ hạn chế thấp nhất oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm, giải quyết nhanh các vụ án phạm pháp hình sự để kịp thời răn đe xã hội.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lay-dan-lam-goc-trong-chong-toi-pham-20191013214844513.htm